Không được nhận trợ cấp thất nghiệp vì quy định ‘tháng liền kề’

TP HCMQuỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư hàng chục nghìn tỷ đồng nhưng nhiều lao động mất việc không được nhận trợ cấp do vướng quy định “tháng liền kề”.

5 năm trước, vợ chồng chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên được Công ty TNHH Asia Garment (quận 12) nhận vào làm công nhân, hợp đồng lao động một năm, sau đó là không xác định thời hạn. Hàng tháng, chị đều bị công ty trừ gần 600.000 đồng tiền lương để đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. Nữ công nhân nói rằng thu nhập mỗi tháng hơn 6 triệu đồng, thấy trừ nhiều cũng tiếc nhưng nghĩ đến quyền lợi lâu dài nên chấp nhận, cố gắng tăng ca bù vào.

“Thế nhưng khi đụng chuyện mình không được bất cứ quyền lợi gì”, chị Tiên nói. Giữa năm 2020, chị sinh con nhưng chờ mãi không thấy tiền thai sản. Đầu năm sau khi đi làm lại, công ty liên tục chậm lương. Nhiều người bức xúc ngừng việc, khiếu nại cơ quan chức năng mới biết công ty nợ bảo hiểm xã hội hơn 8 tỷ đồng. Trong 4 năm làm việc, vợ chồng chị được công ty đóng đủ các khoản bảo hiểm hơn 1,5 năm. Thất vọng, anh chị và 400 công nhân khác nghỉ việc.

Chị Cẩm Tiên làm việc tại xưởng may gần nhà ở Đồng Tháp. Ảnh: An Phương

Chị Cẩm Tiên làm việc tại xưởng may gần nhà ở Đồng Tháp. Ảnh: An Phương

Mất việc vừa lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP HCM, vợ chồng chị Tiên không tìm được việc mới. “Con nhỏ, lương bị nợ, dịch đến, khó khăn bao vây”, chị nói. Nhớ đến quá trình 1,5 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp, chị đến Trung tâm dịch vụ việc làm chi nhánh quận 12 hỏi thủ tục với hy vọng mỗi người sẽ nhận được ba tháng trợ cấp. Tuy nhiên hồ sơ của vợ chồng chị bị loại “từ vòng gửi xe”. Cán bộ tiếp nhận yêu cầu chị đến cơ quan bảo hiểm xã hội chốt quá trình đóng với yêu cầu tháng liền kề trước khi nghỉ việc phải tham gia đầy đủ.

“Vợ chồng tôi không thể đáp ứng được yêu cầu này vì công ty nợ bảo hiểm nên bỏ cuộc”, chị Tiên nói. Mấy tháng thất nghiệp, thành phố lại phong tỏa, vợ chồng chị vay mượn khắp nơi để cầm cự. Quá mệt mỏi nên khi các lệnh giãn cách được gỡ bỏ, cả nhà liền kéo nhau về Đồng Tháp. Giờ đây, chị xin vào làm công nhân một xưởng may gần nhà, không muốn quay lại thành phố.

Tương tự, anh Nguyễn Xuân Nghị, 50 tuổi, có 22 năm làm việc tại Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT), quận 1, nhưng đến khi mất việc không nhận được một đồng nào từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Cuối năm ngoái, công ty liên tục chậm lương nên anh xin nghỉ việc. Kiểm tra trên ứng dụng VssiD của ngành bảo hiểm, anh Nghị thấy rõ quá trình đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của mình đến tháng 7/2020, tương đương 13 năm 6 tháng. Theo Luật Việc làm, anh nhận được 12 tháng trợ cấp thất nghiệp, mức tối đa cho người thụ hưởng. Tuy nhiên, khi liên hệ trung tâm dịch vụ việc làm, anh bị từ chối do tháng liền kề trước khi nghỉ việc công ty để nợ bảo hiểm.

Anh Nghị nói rằng miệt mài đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp bao năm qua, nếu được giải quyết cũng chỉ nhận được 12 tháng, tức 12 năm như vậy người tham gia đã chịu một phần thiệt. Đằng này với lý do công ty không đóng hai năm, cơ quan quản lý lại từ chối không chi trả cho người thất nghiệp là “quá bất công”. Cán bộ giải thích quá trình đóng sẽ được cộng dồn nếu anh tìm được việc mới và tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, anh Nghị cho rằng thời gian đóng của bản thân quá dài thì cộng dồn không có ý nghĩa.

“Tôi thực sự rất thất vọng vì lúc mình khó khăn nhất đã không được giúp đỡ”, anh Nghị nói và cho biết bản thân là trụ cột gia đình 5 người với mẹ già 90 tuổi, vợ không đi làm vì chăm hai con nhỏ. Hơn nửa năm thất nghiệp, anh cũng tìm được việc mới với mức lương mỗi tháng hơn 6 triệu đồng. Nếu gắn bó đến lúc nghỉ hưu, anh sẽ không còn cơ hội nhận trợ cấp thất nghiệp vì hết tuổi lao động. Không chỉ anh mà hàng chục đồng nghiệp cũng lâm cảnh tương tự bởi tính đến tháng 8, SPT đã để nợ hơn 34 tỷ đồng bảo hiểm xã hội.

Anh Nghị, chị Cẩm Tiên là hai trong số gần 13,4 triệu người hàng tháng trích lương đóng góp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến cuối năm 2021, kết dư của quỹ này hơn 61.400 tỷ đồng. Số kết dư cao hơn hai lần tổng chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý nên ngân sách nhà nước không phải hỗ trợ.

Theo quy định, hàng tháng chủ doanh nghiệp và người lao động trích 2% tiền lương đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhà nước hỗ trợ tối đa 1%. Người lao động mất việc sẽ được trợ cấp ít nhất ba tháng với thời gian tham gia 12-36 tháng, sau đó cứ một năm tham gia sẽ thêm một tháng, tối đa là 12 tháng. Mức hưởng bằng 60% tiền lương trung bình 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Năm 2021, cả nước có hơn 801.000 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng hơn 37.000 người bị từ chối giải quyết.

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Chi nhánh Trung tâm dịch vụ việc làm quận 12. Ảnh: An Phương

Người lao động làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp tại Chi nhánh Trung tâm dịch vụ việc làm quận 12. Ảnh: An Phương

Lý giải các trường hợp bị từ chối, đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội), đơn vị tiếp nhận hồ sơ giải quyết trợ cấp thất nghiệp, cho biết theo Nghị định 61 hướng dẫn thi hành Luật Việc làm, người lao động muốn nhận trợ cấp phải được cơ quan bảo hiểm xã hội chốt sổ đến thời điểm tháng liền kề trước khi lao động nghỉ việc để hoàn thành hồ sơ. Muốn đáp ứng được yêu cầu “tháng liền kề”, công ty của lao động làm việc không nợ bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, những người tìm được việc làm trong vòng 15 ngày hoặc quá thời hạn 3 tháng làm hồ sơ cũng không được chi trả.

Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, nói nguyên tắc doanh nghiệp đóng đến đâu cơ quan bảo hiểm xác nhận đến đó. Do đó, với doanh nghiệp nợ bảo hiểm, người lao động không được xác nhận “tháng liền kề”.

Hiện, quy định tháng liền kề trước khi nghỉ việc phải đóng đủ vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp không được nói rõ trong Luật Việc làm nhưng các văn bản hướng dẫn đều nêu cụ thể. Theo quy định người lao động đóng đủ ít nhất 12 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, nhưng nếu công ty nợ bảo hiểm sẽ không được nhận do không đáp ứng được tiêu chí tháng liền kề trước khi nghỉ việc phải đóng đủ vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định 61.

Thống kê, riêng TP HCM, đến cuối tháng 3, ghi nhận gần 44.500 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội từ một đến trên 12 tháng với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nói hàng tháng người lao động đều bị công ty trích lương đóng vào các quỹ bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp. Doanh nghiệp để nợ bảo hiểm xã hội không phải lỗi của người lao động, song các chế độ liên quan đến họ đều bị ảnh hưởng, trong đó có trợ cấp thất nghiệp.

“Người lao động mất việc đã khó khăn, khi không được hỗ trợ sẽ càng thiệt thòi”, ông Đô nói và đề xuất chính sách nên có thêm tầng hỗ trợ tùy mức độ đối với những lao động ở các doanh nghiệp bị nợ bảo hiểm xã hội. Việc này giúp quỹ bảo hiểm thất nghiệp làm tròn vai trò, là giá đỡ khi lao động thất nghiệp.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ, Trưởng văn phòng Luật Tín Nghĩa (Đoàn luật sư TP HCM) nói rằng các điều khoản của Luật Việc làm không quy định về “tháng liền kề”, nhưng các văn bản hướng dẫn lại bổ sung thêm điều kiện này đã hạn chế người hưởng trợ cấp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

“Đây là hướng dẫn ‘thắt cổ chai’, vi phạm quyền lợi chính đáng của người lao động bị thất nghiệp”, luật sư Lễ nói và cho rằng căn cứ vào Điều 156 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ” nêu “trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”. Do đó, các cơ quan thẩm quyền cần xem xét quy định trên để áp dụng, tức theo Luật Việc làm, nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong bối cảnh quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư rất lớn.

Lê Tuyết