Không để công nhân thiếu việc làm
Chưa bao giờ doanh nghiệp (DN) sản xuất lại thiếu đơn hàng và khó khăn như hiện nay. Hết quý I, nhiều DN vẫn loay hoay tìm kiếm đơn hàng trong khi lẽ ra đây là thời điểm đã chốt xong đơn hàng cho cả năm. Do vậy, không ít DN đang âm thầm cắt giảm lao động nhưng cũng có nhiều DN sắp xếp tối ưu hóa sản xuất, nhằm duy trì việc làm cho người lao động (NLĐ).
Cố gắng tìm đơn hàng mới
Tuyển dụng có chọn lọc, sắp xếp ca kíp hợp lý, chia đều việc… là những biện pháp Công ty TNHH BHflex Vina (tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện để tất cả NLĐ đều có việc làm.
Ông Ra Il Woo, Trưởng Ban Nhân sự và Quan hệ lao động Công ty TNHH BHflex Vina, cho biết ban giám đốc tin tưởng thị trường sẽ phục hồi nên tìm mọi cách giữ việc làm cho NLĐ. “Trong năm nay, công ty sẽ mở rộng nhà xưởng và tuyển thêm lao động để vận hành nhà máy, tạo thêm công ăn việc làm cho NLĐ địa phương” – ông Ra Il Woo nói.
Cũng tại Vĩnh Phúc, bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH OhashiTekko Việt Nam, cho hay tuy gặp nhiều khó khăn kể từ sau dịch COVID-19 nhưng công ty vẫn tăng 6% lương cơ sở cho toàn bộ NLĐ và có kế hoạch tuyển dụng thêm 10% nhân công. Trong thỏa ước lao động tập thể ký với Công đoàn vào đầu năm 2023, ban giám đốc công ty cam kết không cắt giảm lao động để NLĐ yên tâm làm việc.
Theo khảo sát của Hiệp hội DN TP HCM từ hơn 100 DN hoạt động sản xuất – kinh doanh, tính đến đầu tháng 3 vừa qua, có 83% DN cho biết đang gặp khó khăn vì thị trường bị thu hẹp, hàng tồn kho nhiều, giá nguyên liệu đầu vào tăng, khó tiếp cận nguồn vốn… Nhiều DN cho biết đã dừng ký hợp đồng lao động với số lượng đáng kể do không có đơn hàng dự trữ. Nhưng cũng có không ít DN đang nỗ lực giữ vững việc làm cho NLĐ.
Người lao động được xem như “mạch máu” giúp doanh nghiệp phục hồi, sản xuất
Nắm bắt cơ hội
Ngành da giày đang gặp nhiều khó khăn nhưng không phải DN nào cũng cắt giảm lao động, đa số vẫn bảo đảm việc làm cho NLĐ và hy vọng tình hình sẽ khả quan hơn.
Bà Phan Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam, cho biết chỉ khoảng 30% DN cắt giảm lao động do ảnh hưởng lượng đơn hàng, 70% DN còn lại đang nỗ lực duy trì việc làm, thu nhập cho NLĐ. Hiệp hội cũng đã làm việc và nhận được cam kết của các khách hàng lớn như Nike, Adidas… vẫn duy trì sản lượng trên 50% tại Việt Nam. Do đó, biến động nhân lực của ngành là không lớn.
Bà Phan Thị Minh Thu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong (KCN Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết hiện chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt cơ hội, DN vẫn có thể tìm được đơn hàng với giá gia công chấp nhận được. Trong nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, vừa qua, Công ty TNHH Giày dép Vĩnh Phong đã đàm phán thành công một đơn hàng gia công, bảo đảm việc làm cho toàn bộ 200 công nhân đến hết quý II/2023.
“Trước khi ký kết hợp đồng, họ cử người sang Việt Nam kiểm tra điều kiện nhà xưởng, môi trường làm việc, đặc biệt là việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NLĐ. Do lâu nay chúng tôi thực hiện khá tốt các yêu cầu của nhiều đối tác nên đáp ứng những tiêu chí trên không khó. Quan trọng là DN phải nắm bắt cơ hội” – bà Thu khẳng định.
Đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết trong tháng 5 và 6 tuy chưa có đơn hàng nhưng công ty vẫn giữ việc làm cho toàn bộ NLĐ với thu nhập bình quân 9,5 – 10 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo DN cũng cho biết đang nỗ lực tìm đơn hàng mới để duy trì việc làm cho NLĐ.
Lao động có việc làm và thu nhập tăng
Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2023. Trong đó, lao động có việc làm và thu nhập bình quân tháng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi giảm so với quý trước và cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính 52,2 triệu người (tăng 88.700 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước). Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 68,9% (tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước). Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm ước tính 51,1 triệu người (tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I ước tính 2,25%, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 1,94% – đều giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.