Khó xử lý doanh nghiệp nợ bảo hiểm

TP HCMSau một năm theo đuổi vụ kiện đòi khoản nợ bảo hiểm xã hội hơn 8 tỷ đồng, nhiều công nhân Công ty TNHH Asia Garment (quận 12) gần như bỏ cuộc vì quá mệt mỏi.

Anh Lê Văn Thông, 39 tuổi, quê Bình Định, là một trong số lao động nộp đơn kiện lên tòa án quận Tân Bình, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Nam công nhân làm việc được ba năm nhưng công ty chỉ đóng bảo hiểm 6 tháng.

Sau đó, hàng tháng nhà máy vẫn trừ lương nhưng không đóng các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho người lao động. Tháng 2/2020, công ty bị Bảo hiểm xã hội TP HCM thanh tra, ra quyết định xử phạt và yêu cầu khắc phục nhưng không thực hiện.

Công nhân tập hợp hồ sơ khởi kiện Công ty Asia Garment vào tháng 3/2021. Ảnh: Lê Tuyết

Công nhân tập hợp hồ sơ khởi kiện Công ty Asia Garment vào tháng 3/2021. Ảnh: Lê Tuyết

Đến tháng 3/2021, số nợ đã lên đến 8,3 tỷ đồng. Công nhân ốm đau không có bảo hiểm y tế, lao động nữ sinh con không có chế độ thai sản. Lúc này, gần 400 công nhân ngừng việc yêu cầu công ty khắc phục, song không có kết quả. Sau đó, hơn 100 người đã nghỉ việc và nộp đơn kiện ra tòa.

“Khó khăn chồng chất nhưng không ai được nhận trợ cấp thất nghiệp do công ty nợ bảo hiểm”, anh Thông nói. Chưa kể theo đuổi vụ kiện khiến công nhân mất nhiều thời gian lên xuống hòa giải, bổ sung hồ sơ, nhiều người phải liên tục xin nghỉ làm. Hơn 100 người nộp đơn kiện nhưng giờ chưa đến chục người theo. Hiện, số nợ của công ty đã lên 9,4 tỷ đồng, bao gồm lãi phát sinh.

Công ty TNHH Asia Garment là một trong gần 45.000 đơn vị, doanh nghiệp ở TP HCM nợ bảo hiểm xã hội từ một đến trên 12 tháng với tổng số tiền hơn 4.000 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 3. Trong đó, khoảng 25.000 doanh nghiệp nợ 1-3 tháng với hơn 1.500 tỷ đồng; trên 12.800 doanh nghiệp nợ từ ba đến dưới 12 tháng với tổng số tiền gần 665 tỷ đồng; gần 6.400 đơn vị nợ 12 tháng với hơn 1.700 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, cho biết đối với những doanh nghiệp để nợ từ ba tháng trở lên và số tiền nợ từ 50 triệu đồng, cơ quan này sẽ gửi thư mời lên để đôn đốc, yêu cầu nộp tiền. Những doanh nghiệp cố tình chây ì sẽ bị cơ quan bảo hiểm thanh tra, xử phạt.

Tuy nhiên, mức xử phạt hành chính cao nhất đối với cá nhân đóng không đủ, chiếm dụng tiền bảo hiểm… hiện là 75 triệu đồng, tổ chức bị phạt gấp đôi. So với khoản nợ hàng tỷ đồng, mức xử lý này “chưa đủ răn đe”, phần nào là nguyên nhân khiến doanh nghiệp “lờn thuốc”.

Ngoài xử phạt hành chính, hai “công cụ” là công đoàn kiện ra tòa, xử lý hình sự đối với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, được kỳ vọng làm giảm tình trạng nợ bảo hiểm, song nhiều năm qua hầu như không sử dụng được.

Hai năm trước, Bảo hiểm xã hội TP HCM tập hợp hồ sơ 84 doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài với tổng số tiền gần 160 tỷ đồng, ảnh hưởng nhiều lao động, chuyển sang Công an thành phố, đề nghị xử lý hình sự. Gần một năm sau, 47 hồ sơ bị trả về với lý do cơ quan công an đưa ra là không có dấu hiệu cấu thành tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội theo Điều 216 Bộ luật Hình sự. 37 trường hợp khác vẫn đang điều tra, xác minh, đến nay chưa có kết quả.

Người lao động làm việc tại một nhà máy ở Củ Chi bị nợ lương, bảo hiểm xã hội cùng ngừng việc tập thể vào năm 2018. Ảnh: Lê Tuyết

Người lao động làm việc tại một nhà máy ở Củ Chi bị nợ lương, bảo hiểm xã hội cùng ngừng việc tập thể vào năm 2018. Ảnh: Lê Tuyết

Phân tích về những vướng mắc khi áp dụng biện pháp hình sự với các vụ nợ bảo hiểm xã hội, phía bảo hiểm cho rằng cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Bởi trên thực tế doanh nghiệp có kê khai lao động đầy đủ, số tiền cần trích nộp nhưng sản xuất khó khăn nên đóng không đủ, do đó chưa cấu thành hành vi trốn đóng.

Ngoài ra, quy định về doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự là “trốn đóng”, trong khi các văn bản về xử lý vi phạm hành chính là “chậm đóng, đóng không đủ”. Chính sự không thống nhất này làm cho các quyết định xử phạt hành chính không thể căn cứ để chuyển vụ án sang hình sự do khác hành vi.

Một khó khăn nữa là khi Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực, quy định tổ chức công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội ra tòa án theo Điều 14 cũng gặp vướng mắc và gần như không thực hiện được.

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động TP HCM), nói Điều 14 quy định công đoàn kiện đòi bảo hiểm xã hội theo khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn nhưng điều khoản này chỉ cho phép kiện khi được người lao động ủy quyền, tức mỗi người một đơn.

“Thường nợ bảo hiểm kéo dài rơi vào doanh nghiệp có hàng nghìn lao động, tức là phải làm tới hàng nghìn uỷ quyền để công đoàn tham gia tố tụng tại toà, rất tốn kém và mất thời gian”, ông Triều nói. Do đó, trong ba năm 2019-2021, cán bộ trung tâm chỉ đại diện cho 7 lao động tham gia tố tụng tại tòa án ở các vụ tranh chấp lao động về tiền lương, chấm dứt hợp đồng trái luật, nợ bảo hiểm xã hội.

Ông Trần Văn Triều (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội khởi kiện tại tòa án huyện Củ Chi. Ảnh: An Phương

Ông Trần Văn Triều (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội khởi kiện tại tòa án huyện Củ Chi. Ảnh: An Phương

Nói về những khó khăn khi công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cho rằng các cấp công đoàn đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đưa các vụ kiện nợ bảo hiểm xã hội đến tòa án nhưng kết quả không đáng kể, rất ít vụ được toà thụ lý.

Ông Hiểu nêu lý do chủ yếu là những bất cập, mâu thuẫn giữa các quy định của những đạo luật liên quan, gồm: Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và Luật công đoàn. Ví dụ, có luật quy định thẩm quyền khởi kiện thuộc công đoàn cấp trên cơ sở, có luật trao quyền cho công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, luật yêu cầu phải có ủy quyền bằng văn bản của từng lao động…

“Chính sự thiếu thống nhất này đã làm việc thực thi một quy định pháp luật không thực hiện được”, ông Hiểu nói và cho rằng điều này góp phần làm cho tình hình nợ bảo hiểm ngày càng tăng nhanh.

Lãnh đạo Tổng liên đoàn cho rằng công đoàn là tổ chức đại diện bảo vệ người lao động theo Điều 10 của Hiến pháp. Khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ bị xâm phạm lại phải có uỷ quyền mới được công đoàn bảo vệ là không phù hợp. Mặt khác, với những doanh nghiệp có tới hàng vạn lao động, việc phải lấy chữ ký của từng người là điều bất khả thi.

Theo ông Hiểu, thời gian tới trong định hướng sửa đổi các quy định pháp luật về khởi kiện cần tính đến việc giao nhiệm vụ khởi kiện cho công đoàn cấp trên trực tiếp để tránh “thế khó” cho cán bộ cơ sở. Bởi họ không dễ đứng ra khởi kiện chính người chủ sử dụng lao động vì có thể sẽ bị trù dập, trả thù, gây khó trong công việc, ảnh hưởng việc làm và thu nhập.

Lê Tuyết