Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su

Sáng 14-12, Hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII năm 2022 do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã khai mạc tại Nông trường Bến Súc (Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương).

Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 1.

Toàn cảnh lễ khai mạc

Hội thi thu hút sự tham gia của 64 đoàn (50 đoàn thi đồng đội, 14 đoàn thi cá nhân) với 325 thí sinh (278 chính thức, 47 dự bị). Đây là những thí sinh xuất sắc, tiêu biểu, đã chiến thắng trong hội thi thợ giỏi ở các công ty cao su, đại diện cho hàng chục ngàn công nhân khai thác trong toàn ngành cao su Việt Nam.

Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 2.

Các thí sinh trong phần thi lý thuyết

Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 3.

Các thí sinh thi thực hành

Các thí sinh trải qua 3 phần thi: lý thuyết, dụng cụ và thực hành để chọn ra những “kiện tướng”, “bàn tay vàng” khai thác mủ cao su cấp tập đoàn. Lễ tổng kết và trao giải hội thi sẽ được diễn ra vào ngày 15-12.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Lê Thanh Tú, Phó Tổng Giám đốc VRG, Trưởng Ban Tổ chức hội thi, nhấn mạnh, qua các lần tổ chức, đến nay hội thi đã trở thành một ngày hội lớn của ngành cao su Việt Nam, là dịp để giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của đội ngũ công nhân khai thác. Đồng thời để đánh giá, kiểm tra trình độ tay nghề của công nhân khai thác mủ. Qua đó, phát hiện những công nhân giỏi lý thuyết, thạo thực hành để tiếp tục bồi dưỡng, nhân rộng điển hình, trở thành những hạt nhân trong lĩnh vực khai thác mủ tại cơ sở.

Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su  - Ảnh 4.

Ông Lê Thanh Tú – Phó Tổng Giám đốc VRG, Trưởng Ban Tổ chức hội thi phát biểu tại lễ khai mạc

“Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su do Tập đoàn VRG tổ chức đã vượt khỏi khuôn khổ của một hội thi tay nghề thông thường, nó thực sự đã trở thành một ngày hội truyền thống của công nhân cao su. Trên thế giới dù có nhiều nước trồng cao su, nhưng gần như chỉ có Việt Nam tổ chức hội thi thu hoạch mủ mang tính quy mô toàn ngành. Đây là điểm độc đáo và có thể xem là nét văn hoá đặc trưng của ngành cao su Việt Nam” – ông Tú nói.


N.Huỳnh