Hợp tác xã bò sữa hơn 2.000 hộ nuôi ở miền Tây

Sóc TrăngSáng sớm ông Thạch Thai, 59 tuổi, mở nước tắm bò, vắt sữa bằng máy, mang giao cho hợp tác xã bò sữa quy mô lớn nhất miền Tây.

6h, điểm mua sữa bò ngay chợ Tài Văn, huyện Trần Đề, đông người đến bán, ít như ông Thai thì một bình loại 20 kg, nhiều 3-4 bình, giá 12.500 đồng một kg. Nhân viên thu mua lấy mẫu sữa nhỏ trong bình, cho một ít cồn 75 độ vào kiểm tra. Nếu sữa kết tủa, hợp tác xã từ chối mua vì để quá thời gian quy định hoặc bò mới sinh con, hàm lượng bơ vượt mức cho phép.

Sữa đạt chuẩn được nhân viên nhập vào bồn chứa sau khi lọc lần hai. Nhiệt độ trong bồn từ 26 độ C giảm dần và còn 2 độ C để bảo quản sữa. Bán xong 15 kg sữa, ông Thai rửa bình chứa qua bốn bước, ngay phía trước điểm thu mua, rồi ra xe đưa cháu ngoại đến trường tiểu học cách đó vài trăm mét. Chừng 16h, ông Thai bán một đợt sữa nữa, kết hợp đón cháu đi học về.

Nông dân nuôi bò sữa huyện Trần Đề bán sữa vào sáng 15/6 với giá 12.500 đồng một lít. Ảnh: Ngọc Tài

Nông dân nuôi bò sữa huyện Trần Đề bán sữa vào sáng 15/6. Ảnh: Ngọc Tài

Trước đây, ông Thai làm lúa nhưng vì đất ít lại hay mất mùa nên gia cảnh thường thiếu trước hụt sau. Mấy năm nay, ông chuyển sang nuôi bốn con bò sữa, trung bình mỗi ngày ông bán hơn 40 kg sữa, sau khi trừ chi phí thức ăn, điện nước, nhân công trồng, cắt cỏ ông lãi 6-7 triệu đồng một tháng. Thu nhập từ nghề nuôi bò sữa vừa giúp ông có công việc ổn định về già, chi xài trong gia đình thoải mái hơn thay vì chỉ trông chờ vào mùa vụ.

Nhà cách điểm thu mua gần hai km, ông Huỳnh Văn Hữu làm đủ các nghề từ nuôi tôm, trồng lúa, trồng dừa song 6 năm nay trụ lại với nghề nuôi bò sữa. Ban đầu ông mua hai con bò đang vắt sữa nhưng không hiệu quả, chuyển sang nuôi bò con. Sau ba năm, bò cho sữa đều đều. Ông đồng thời giữ lại số bê cái để tăng đàn, hiện đã lên hơn chục con. Ngoài ông Hữu, người con trai lớn cũng sở hữu 5 con bò đang cho sữa.

“Lúc trước nuôi tôm thua lỗ giờ đất còn bỏ hoang tới giờ, không có đàn bò đừng mong dư dả”, ông Hữu chia sẻ.

Để chủ động nguồn thức ăn cho bò, người nông dân U70 dành riêng thửa đất 7.000 m2 sau nhà, trồng cỏ và trữ sẵn vài trăm cuộn rơm khô. Trung bình mỗi con bò đang cho sữa ăn 4-5 kg thức ăn, một bó cỏ tươi, 1/3 cuộn rơm mỗi ngày. Theo ông Hữu bò sữa không khó chăm sóc nhưng đòi hỏi người nuôi phải siêng năng, cho chúng ăn đúng bữa, tắm ngày ba lần – trước mỗi cữ lấy sữa và buổi trưa cho bớt nóng.

Ông Hữu chăm sóc đàn bò sữa, nguồn kinh tế chính của gia đình. Ảnh: Ngọc Tài

Ông Huỳnh Văn Hữu chăm sóc đàn bò sữa, nguồn kinh tế chính của gia đình. Ảnh: Ngọc Tài

“Nuôi bò sữa làm việc suốt ngày”, ông Hữu cho biết. Ban đầu, ông cho rằng nuôi bò là nghề phụ, sinh kế của gia đình 6 người trông chờ vào 4 ha ruộng trồng lúa. Song hiện mỗi vụ lúa ông lãi nhiều nhất là 40 triệu đồng (mỗi năm 80 triệu) trong khi nuôi đàn bò lại mang về nguồn thu gấp đôi, hơn 180 triệu đồng mỗi năm.

Ông Thai, ông Hữu là một trong 2.000 thành viên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Evergrowth – mô hình kinh tế tập thể do Chính phủ Canada tài trợ cách đây hơn 20 năm. Thời điểm mới triển khai, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ một con bò. Sau đó họ được đưa lên Bình Dương một tháng, gửi vào các hộ nuôi bò, để hàng ngày học cách cắt cỏ, cho bò ăn, vắt sữa…

Kể lại những ngày đầu, Giám đốc HTX nông nghiệp Evergrowth Trần Hoàng An cho biết HTX gặp muôn vàn thử thách. Người nông dân vốn chỉ quen với những chú bò thịt truyền thống, chăn nuôi hoang dã. Khi làm quen với chú bò sữa, họ không biết vắt sữa. Kỹ sư của HTX cũng lóng nga lóng ngóng vì mô hình mới. Cả nông dân, kỹ sư lẫn bộ máy quản lý HTX cùng nhau học hỏi.

Từng bước vượt qua khó khăn, năm 2016 đàn bò sữa của HTX phát triển cực thịnh với 12.000 con, sản lượng sữa khoảng 36 tấn mỗi ngày, lợi nhuận đạt hơn 16 tỷ đồng một năm. Cuối năm đó, HTX quyết định trích hơn 10 tỷ đồng chia cho xã viên căn cứ trên sản lượng sữa họ bán. Cùng thời điểm này để chủ động nguồn thức ăn cho bò, HTX quyết định xây nhà máy chế biến thức ăn, đồng thời hùn vốn cho ra đời công ty chế biến sữa tươi đóng hộp vào năm 2019.

“Điều quan trọng nhất, mô hình HTX đã giữ người nông dân lại với chính cánh đồng, ruộng lúa, giữ lại họ với ngôi nhà của mình”, giám đốc An nói.

Anh Minh Hoàng, Trưởng Phòng kỹ thuật HTX nông nghiệp Evergrowth khám cho bò sữa của gia đình ông Hữu. Ảnh: Ngọc Tài

Anh Phan Minh Hoàng khám cho bò sữa của gia đình ông Hữu. Ảnh: Ngọc Tài

Anh Phan Minh Hoàng, Trưởng phòng Kỹ thuật HTX nông nghiệp Evergrowth, cho biết HTX hiện quản lý đội ngũ 25 bác sĩ thú y đảm nhiệm khâu kỹ thuật nuôi cho đàn bò sữa hơn 5.000 con. Biểu phí dịch vụ như thụ tinh, khám, chữa bệnh cung cấp cho xã viên do hội đồng quản trị HTX thông qua hằng năm. Đàn bò sữa của các xã viên đa phần là F1 giữa bò địa phương phối giống bò Hà Lan, dần thích nghi khí hậu, điều kiện chăn nuôi ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo anh Hoàng, bò sữa được chăn nuôi theo hướng nông hộ khó khăn lớn nhất là việc đảm bảo chất lượng sữa đồng đều, do đó khâu tập huấn kỹ thuật phải được triển khai xuyên suốt. Ngoài ra, với hình thức nuôi trong chuồng, bò sữa cần tắm mát, quạt gió, nằm trên nệm (cao su chuyên dùng) để tránh hư móng, có thời gian nghỉ ngơi sau cử vắt sữa. Một số người nuôi cho bò nghe nhạc để thư giãn.

“Những năm đầu đàn bò chỉ hơn 100 con, lượng sữa mua vào không đủ để vận hành bồn chứa”, ông Hoàng nhớ lại, cho biết sau nhiều năm HTX kiên trì vận động, thu mua sữa của bà con không bỏ ngày nào, tạo thu nhập ổn định nên nhiều người dân gia nhập, đàn bò tăng lên.

Ngọc Tài