Hỗ trợ tiền thuê trọ nên xét theo lương tối thiểu vùng

Công đoàn cơ sở cho rằng hỗ trợ tiền nhà trọ nên xét theo vùng lương tối thiểu vì mức thuê mỗi nơi khác nhau và không cần yêu cầu người lao động làm đơn.

Dự thảo hướng dẫn chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lấy ý kiến bộ ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 2 để trình Chính phủ ký ban hành. Mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi người một tháng, tối đa ba tháng.

Chính sách áp dụng với lao động đóng bảo hiểm xã hội, có hợp đồng, đang làm việc trong các khu công nghiệp, chế xuất hoặc người quay trở lại thị trường lao động mà phải thuê trọ.

Phòng trọ của một lao động ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có giá 550.000 đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Phòng trọ của một lao động ở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) có giá 550.000 đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn lao động VN), kỳ vọng chính sách sẽ kéo lao động trở lại thành phố làm việc, nhất là khu vực phía Nam.

Công nhân khu công nghiệp, chế xuất hầu hết là người nhập cư, khoảng 70% lao động cả nước đang thuê trọ trong các khu nhà người dân tự xây, diện tích dưới 3 m2 mỗi người. 70% công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng, mức bình quân 4 – 6 triệu, chưa tính tăng ca. Theo khảo sát của công đoàn, tiền trọ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM… bình quân khoảng 1- 2 triệu đồng mỗi phòng trong tháng là gánh nặng lớn với lao động. Chưa kể giá tăng hay giảm phụ thuộc vào điều kiện phòng ở, vệ sinh khép kín hay dùng chung. Nhiều công nhân trẻ, chưa lập gia đình ở ghép với nhau cho rẻ, xoay sở trong 2 – 3 m2.

Mức hỗ trợ 500.000 đồng – 1 triệu đồng mỗi tháng một người, so với mặt bằng chung tiền thuê nhà ở Hà Nội, TP HCM mới đáp ứng được khoảng một nửa. Song theo ông Quảng, chính sách nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và với nguồn lực 6.600 tỷ cũng là một nỗ lực lớn của Chính phủ.

Thủ tục hỗ trợ cần đơn giản, rút ngắn quy trình để tiền về tay lao động đúng thời điểm, bởi đây cũng là lúc công nhân hoặc tìm kiếm việc làm mới, hoặc đã chi tiêu các khoản cho Tết và đang cần tiền. Nếu không giải ngân nhanh, đúng lúc này thì khó thu hút được người lao động quay lại thị trường. Theo ông Quảng, dựa vào kinh nghiệm cơ quan Bảo hiểm xã hội trong giải ngân gói 38.000 tỷ đồng, việc này không khó khi dữ liệu của lao động có hợp đồng, đang tham gia BHXH đều đã có sẵn.

“Nên bỏ qua khâu yêu cầu lao động làm đơn”, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức) đề xuất. Công ty này có khoảng 6.000 công nhân, đa phần là lao động nhập cư, thuê trọ gần nhà máy. Doanh nghiệp thẩm tra, lập danh sách, công đoàn giám sát để không bỏ sót lao động thuộc diện được hỗ trợ. Cơ quan nhà nước có thể hậu kiểm. Rút ngắn thủ tục để tiền nhanh đến tay lao động và giảm áp lực cho chính quyền các cấp khi duyệt hồ sơ.

Về mức hỗ trợ, ông Hồng cho rằng nên xét theo vùng lương tối thiểu (hiện áp dụng từ 3,07 triệu với vùng IV tới 4,42 triệu đồng với vùng I). Những địa bàn thuộc vùng I như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai mức chi cho nhà trọ khá cao, trong khi ở một số tỉnh miền Tây có thể thấp hơn. Cơ quan soạn thảo cần xét đến giá cả sinh hoạt, thuê nhà trọ ở từng khu vực để có mức hỗ trợ phù hợp.

Đại diện công đoàn cũng băn khoăn trong đề xuất nêu nhóm được hỗ trợ là người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực kinh tế trọng điểm. Vậy những doanh nghiệp nằm ngoài khu chế xuất, khu công nghiệp có được hỗ trợ hay không? Nếu không làm rõ thì nhóm này sẽ rất thiệt thòi.

Thực tế, TP HCM có gần 2 triệu lao động làm việc trong các nhà máy. Trong đó, lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp là 273.000 người, khu công nghệ cao là gần 52.000 người, số còn lại hơn 1,6 triệu lao động tại doanh nghiệp bên ngoài.

Công nhân Đức Phú và con gái trong căn phòng trọ chưa đến 9 m2 ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: An Phương

Công nhân Đức Phú và con gái trong căn phòng trọ chưa đến 9 m2 ở phường Linh Xuân, TP Thủ Đức (TP HCM). Ảnh: An Phương

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp VSIP (Bình Dương), cho rằng gói hỗ trợ nhà trọ là cần thiết để khuyến khích, động viên người lao động quay lại sản xuất. Các khu công nghiệp VSIP có hơn 400 doanh nghiệp, sử dụng trên 156.000 lao động. Trong đó 70% là lao động nhập cư, thuê trọ. Mức hỗ trợ nhà ở mà các nhà máy dành cho công nhân khoảng 50.000 – 100.000 đồng. Với nhóm đang làm việc, tổng số tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng sẽ chia sẻ được phần nào khó khăn sau đợt bùng phát dịch.

Tuy nhiên với nhóm vừa quay lại thì trường lao động, bà Chi lo ngại sự giúp đỡ sẽ khó được “đúng người, đúng thời điểm”. Từ sau Tết, người lao động ở các tỉnh đã bắt đầu quay lại Bình Dương, các tỉnh phía Nam tìm việc. Đây là lúc họ đang khó khăn nhất và cần được trợ giúp nhất. Song điều kiện của gói đặt ra là có hợp đồng lao động, đang tham gia bảo hiểm xã hội sẽ trở thành rào cản để nhóm này tiếp cận.

Rút kinh nghiệm từ gói 26.000 tỷ đồng, hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, bà Chi đề nghị cần ràng buộc trách nhiệm cơ quan chức năng xét duyệt hồ sơ. Hồ sơ đạt hay không, thiếu, cần bổ sung ra sao, cơ quan chức năng phải trả lời rõ ràng để doanh nghiệp, người lao động được rõ. Thực tế, đến nay, nhiều doanh nghiệp vẫn còn “ngóng” gói 26.000 tỷ đồng, công nhân quá sốt ruột đã ngừng việc, lãn công, ảnh hưởng đến quan hệ lao động, trật tự địa phương, tình hình sản xuất của nhà máy.

Bà Chi đề nghị kéo dài thời gian triển khai chính sách hỗ trợ. Những tỉnh đông công nhân như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai số lượng lao động nhập cư lớn, khối lượng công việc cần giải quyết khổng lồ. Nếu thời gian quá ngắn sẽ gây áp lực cho các đơn vị thực hiện, bỏ sót người thụ hưởng, gây bức xúc trong công nhân.

Đánh giá gói hỗ trợ chỉ là giải pháp trước mắt nhằm phục hồi thị trường lao động, về lâu dài, theo ông Lê Đình Quảng cần tính toán chính sách tổng thể, như xây nhà ở cho công nhân hoặc có gói hỗ trợ họ mua nhà giá rẻ. Cũng cần đưa tiền thuê nhà, chi phí nuôi con vào kết cấu thu nhập của công nhân.

Ông Trần Văn Hà, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang, nhận định khoản hỗ trợ sẽ giảm áp lực cho doanh nghiệp trong việc bổ sung trợ cấp cho lao động để tập trung phục hồi sản xuất. Chính sách kích thích lao động trở lại thị trường, đặc biệt với những địa phương có đông lao động ngoại tỉnh như Bắc Giang với hơn 55.000 người và hầu hết đi thuê trọ.

Căn cơ nhất, theo ông Hà vẫn là có những chính sách thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, mở rộng quy mô, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập của lao động. Tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt nhiều dự án nhà ở xã hội cho công nhân quanh các khu công nghiệp.

Thủ tục hỗ trợ dự kiến:

Người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty.

Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong năm ngày. Nếu có ý kiến phản ánh hoặc cần xác minh thêm, thời hạn giải quyết trong hai ngày.

Trước ngày 15 hàng tháng, công ty gửi danh sách đề nghị hỗ trợ tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm bắt buộc trong hai ngày.

Hồ sơ sau đó gửi về UBND cấp huyện, nơi công ty đặt trụ sở để xét duyệt, chậm nhất ngày 31/7/2022. Trong hai ngày, cấp huyện duyệt trình lên UBND tỉnh. Cấp tỉnh xem xét, quyết định hỗ trợ trong hai ngày làm việc, cập nhật kết quả vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Tiền hỗ trợ sẽ được chuyển về doanh nghiệp, chi trả cho người lao động trong hai ngày kế tiếp.

Quy trình kéo dài tối thiểu 13-15 ngày từ lúc nộp hồ sơ tới lúc người lao động nhận được tiền hỗ trợ.

Hồng Chiêu – Lê Tuyết