Hà Nội hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho lao động

Chính quyền thủ đô trích kinh phí từ ngân sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn, mức 10-30% tùy nhóm.

Nội dung này được nêu trong kế hoạch hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện cho người lao động trên địa bàn Hà Nội từ nay đến năm 2025, do UBND thành phố ban hành.

Người thụ hưởng phải đăng ký thường trú tại Hà Nội, đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc nhóm đóng BHXH bắt buộc. Đó là nhóm lao động có hợp đồng dưới một tháng (từ 1/1/2018 trở đi) và 3 tháng (trước 1/1/2018); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; lao động giúp việc gia đình; lao động sản xuất kinh doanh dịch vụ không hưởng tiền lương; nông dân; người thuộc hộ nghèo, cận nghèo…

Người thuộc hộ nghèo được hưởng mức hỗ trợ 30% tiền đóng BHXH tự nguyện. Mức hưởng ở người thuộc hộ cận nghèo là 25% và các nhóm khác 10%. Thời gian hỗ trợ từ 1/8/2022 đến hết 31/12/2025, kinh phí trích từ ngân sách quận, huyện, thị xã. Riêng trong năm nay, các quận huyện khó khăn chưa tự cân đối ngân sách thì Sở Tài chính tổng hợp, bố trí bổ sung.

Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn cho người dân Hà Nội về chính sách BHXH tự nguyện, tháng 5/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Cán bộ cơ quan Bảo hiểm xã hội tư vấn cho người dân Hà Nội về chính sách BHXH tự nguyện, tháng 5/2022. Ảnh: Hồng Chiêu

Chính sách này nhằm giảm áp lực tài chính cho người dân, khuyến khích họ tham gia BHXH tự nguyện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh, mức sống lẫn thu nhập đều giảm sút.

Lãnh đạo thành phố cho rằng việc hỗ trợ người dân là cần thiết bởi từ đầu năm 2022, mức chuẩn nghèo nông thôn tăng từ 700.000 lên 1,5 triệu đồng, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất cũng tăng từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng mỗi tháng (gấp 2,14 lần). Lao động eo hẹp về tài chính dẫn tới việc vận động tham gia BHXH tự nguyện khó khăn.

Giai đoạn 2018-2021, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho gần 170.000 lao động trên địa bàn đóng BHXH tự nguyện, kinh phí 60 tỷ đồng. Số người đóng tăng dần qua các năm, đạt hơn 63.300 vào năm 2021 (tăng 199% so với năm 2017).

Hà Nội hiện trích ngân sách khoảng 565 tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ gần 93.000 người già từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng, mức 440.000 đồng mỗi người; mua thẻ BHYT mức 67.050 đồng mỗi tháng.

Mức hưởng và quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện khi về hưu theo quy định hiện hành. Đồ họa: Tạ Lư

Mức hưởng và quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện khi về hưu theo quy định hiện hành. Đồ họa: Tạ Lư

Chính sách BHXH tự nguyện ở Việt Nam ra đời năm 2008, dành cho lao động trong độ tuổi ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ hay hợp đồng lao động. Sau 14 năm triển khai, cả nước có khoảng 1,45 triệu người tham gia. Tỷ lệ bao phủ đạt 2,96% số người trong độ tuổi lao động.

Từ năm 2018, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách 10% mức đóng tính trên thu nhập tháng bằng chuẩn nghèo nông thôn, khuyến khích các tỉnh thành trích thêm kinh phí từ ngân sách để bù đắp, hỗ trợ lao động tham gia. Từ 2022, tiền đóng BHXH tự nguyện tăng lên với mức thấp nhất là 330.000 đồng. Hỗ trợ của Nhà nước cao nhất 99.000 đồng với hộ nghèo.

BHXH tự nguyện gồm hai chế độ thụ hưởng là hưu trí và tử tuất, không có chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp hay tai nạn lao động như BHXH bắt buộc.

Võ Hải