Giữ việc làm cho công nhân
Trước đây, Công ty TNHH Giày Nam Bình (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chuyên gia công sản phẩm giày dép xuất khẩu. Hai năm trở lại đây, do công ty khan hiếm đơn hàng nên hàng trăm công nhân (CN) thường xuyên thiếu việc làm. Trước khó khăn ấy, ban giám đốc công ty đã điều chỉnh lại hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Tối ưu hóa sản xuất
Ông Nguyễn Quang Vũ – Chủ tịch Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Giày Nam Bình – cho biết thay vì ngồi chờ đơn hàng xuất khẩu, ban giám đốc quyết định sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Qua khảo sát, công ty nhận thấy chỉ cần sản phẩm có mẫu mã đẹp với giá thành hợp lý thì sẽ chinh phục được khách hàng trong nước.
Với việc chuyển hướng phục vụ thị trường nội địa, Công ty TNHH Giày Nam Bình đã ổn định việc làm cho hàng trăm lao động .Ảnh: THẢO NGUYỄN
Từ chủ trương ấy, ngoài tối ưu hóa sản xuất bằng việc đầu tư máy móc mới, công ty còn tập trung nghiên cứu phát triển mẫu mã sản phẩm, đặc biệt là chủ động nguyên liệu sản xuất. Giải pháp này đã giúp công ty vượt qua khó khăn, các sản phẩm tung ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận. Mỗi tháng, công ty sản xuất hơn 40.000 đôi giày phục vụ khách hàng trong nước, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 230 CN. “Bài học kinh nghiệm là doanh nghiệp (DN) phải tự chủ động thích ứng, có như vậy mới duy trì việc làm thường xuyên cho CN” – ông Vũ nói.
Cũng với hướng đi ấy, khi đơn hàng xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ sụt giảm mạnh, các DN trong Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương đã tự cứu mình bằng cách chủ động tiếp cận các DN nước ngoài trên địa bàn tỉnh để quảng bá sản phẩm. Nhờ đổi mới công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm nên các DN trực thuộc hiệp hội liên tục nhận đơn đặt hàng, giúp người lao động (NLĐ) có việc làm thường xuyên. Qua khảo sát, 70% DN trong hiệp hội duy trì hoạt động tốt và có sự tăng trưởng nhất định.
Sát cánh cùng DN, thời gian qua, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cũng đã tổ chức kết nối trên 70 DN, khách hàng ký kết với nhau trong các chương trình hội thảo, hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng 4 chương trình xúc tiến thương mại nước ngoài ở các thị trường lớn, thị trường mới và thị trường tiềm năng. UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các sở, ngành hỗ trợ DN để ổn định sản xuất, cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lúc tạm nghỉ việc chờ đơn hàng.
Ổn định thu nhập, phúc lợi
Từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, ngành gỗ liên tục gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Việc vận chuyển hàng hóa sang châu Âu, Mỹ gặp nhiều trở ngại cũng khiến tình hình sản xuất của Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex (quận 1, TP HCM) thêm khó. Để ổn định việc làm cho 1.200 CN tại 2 chi nhánh ở TP Thủ Đức và quận 12, ngoài bố trí sản xuất hợp lý, ban giám đốc công ty còn tập trung phát triển các sản phẩm phục vụ thị trường nội địa. Bước đi này không chỉ giúp công ty từng bước ổn định sản xuất mà còn duy trì việc làm cho CN. So với trước, dù thu nhập có giảm nhưng toàn bộ CN vẫn được bảo đảm việc làm.
Mới đây, khi hay tin sẽ được nâng lương định kỳ từ đầu tháng 4-2013, hơn 100 lao động Công ty CP Đầu tư và Tiếp vận Mê Kông (quận 7, TP HCM) rất phấn khởi. Có được kết quả ấy là nhờ thời gian qua ban giám đốc luôn nỗ lực tìm kiếm khách hàng mới để bảo đảm việc làm cho NLĐ. Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết dù khó khăn trước mắt vẫn còn nhưng DN vẫn nỗ lực để ổn định thu nhập, phúc lợi cho NLĐ, giúp họ an tâm gắn bó lâu dài. Đơn cử như trước đây công ty chỉ hỗ trợ tiền ăn giữa ca thì nay sẽ tổ chức nấu ăn để phục vụ NLĐ. Bên cạnh đó, để NLĐ an tâm làm việc, công ty còn xây dựng Quỹ Khuyến học Mê Kông nhằm chăm lo cho con em CN. Hiện công ty dự định xây nhà cho NLĐ ở Đồng Nai.
“Ngoài hỗ trợ của địa phương, các DN cũng phải chủ động thích ứng để duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho NLĐ. Trước mắt, DN nên ưu tiên cơ cấu lại tài chính, điều chỉnh phương án kinh doanh, thậm chí chấp nhận chuyển đổi ngành nghề kinh doanh để tồn tại”.
Ông NGUYỄN VĂN DÀNH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương