Giảm độ vênh cung cầu lao động

Thực tế cho thấy rất nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là DN sản xuất, đang thiếu lao động. Tùy quy mô DN mà số lượng thiếu từ vài chục đến vài ngàn lao động. Tuy nhiên, nhiều lao động phổ thông lại đang chật vật tìm việc làm. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước, DN và cả người lao động (NLĐ) cần tìm ra những điểm nghẽn trong cung – cầu lao động đang nằm ở đâu để có biện pháp hóa giải.

Đa dạng kết nối

Sau 5 năm làm việc tại Lào, nhóm 8 người là anh em bà con ở huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa quyết định về quê tìm việc làm. Họ may mắn được một DN chế biến thực phẩm tại huyện Bình Chánh, TP HCM tuyển làm công nhân (CN) với mức lương khởi điểm 8 triệu đồng/người, chưa tính tăng ca, phụ cấp.

Anh Mai Văn Xuân, đại diện nhóm này, cho biết khi về quê, anh lên UBND xã hỏi xem có công ty nào đến tuyển CN không thì được thông báo DN nêu trên đang tuyển. Anh vui mừng về báo với cả nhóm làm hồ sơ, khám sức khỏe và gọi điện trước để đặt lịch hẹn phỏng vấn.

“Vào làm được hơn 1 tháng, tôi mới biết công ty này thường xuyên về quê tôi phối hợp tuyển CN. Hằng năm, rất nhiều người ở quê vào đây làm nên mọi người đều rất vui, giúp đỡ nhau nhiều trong công việc” – anh Xuân cho hay.

Giảm độ vênh cung cầu lao động - Ảnh 1.

Để chủ động tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp tiếp cận với sinh viên theo mô hình học kỳ doanh nghiệp Ảnh: MAI CHI

Theo tìm hiểu của phóng viên, công ty mà Xuân và nhóm anh em của anh vào làm là DN nổi tiếng với chương trình về tận quê tuyển nhân sự và chăm lo cho NLĐ rất tốt. Cuối năm, DN này còn tổ chức lo tàu, xe cho NLĐ về quê đón Tết hoàn toàn miễn phí, qua đó tuyển thêm lao động mới khi cần. Cách làm này đã cho thấy hiệu quả khi biến động nhân công sau Tết của công ty gần như bằng 0. DN này đã chủ động với các chiến lược phát triển của mình nhờ nhân sự ổn định. Trong khi đó, nhiều DN lại trông chờ vào những sàn giao dịch việc làm của các cơ quan chức năng.

Thông tin ngày 30-9, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM phối hợp với Sở LĐ-TB-XH các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đắk Lắk, Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau kết nối cung – cầu lao động, việc làm cho DN và NLĐ trên địa bàn khiến nhiều DN vui mừng. Đây được xem là sàn giao dịch việc làm trực tuyến liên kết vùng khá quy mô, được các DN có nhu cầu tuyển dụng trong đợt này và cả NLĐ rất kỳ vọng.

Theo ông Đặng Công Chính – Giám đốc điều hành một DN sản xuất hàng tiêu dùng khá lớn tại huyện Bàu Bàng, tỉnh Tây Ninh – các sàn giao dịch việc làm kết nối trực tuyến đã giúp DN ông tuyển được gần một nửa nhân sự. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, DN của ông đã tham gia 3 sàn giao dịch việc làm có quy mô liên kết vùng và tuyển được 53 trong tổng số gần 120 nhân sự đăng ký.

“Đây là một kênh tuyển dụng khá hiệu quả, DN được phép kết nối với NLĐ tại nhiều điểm cầu nhưng rất tiếc là còn nhiều trường hợp không đến nhận việc. Để kênh tuyển dụng này hiệu quả hơn, tôi nghĩ cần có sự cam kết mạnh mẽ hơn nữa giữa đơn vị tổ chức, nhà tuyển dụng và NLĐ” – ông Chính nhìn nhận.

Cần có cổng việc làm quy mô quốc gia

Ông Nguyễn Văn Thu, đại diện một DN sản xuất viên nén trấu xuất khẩu tại Bình Dương, cho biết công ty ông có nhu cầu tuyển 180 CN cho một chuyền sản xuất mới. Tuy nhiên, sau 3 tháng đăng tuyển, công ty chỉ nhận được hơn 20 người.

Ông Thu khá bất ngờ khi báo chí phản ánh nhiều CN không tìm được việc làm nhưng công ty của ông và nhiều DN mà ông biết đều tuyển không đủ người. “Yêu cầu rất đơn giản, chỉ cần có sức khỏe, không cần kinh nghiệm vì sẽ được đào tạo, lương cũng khá nhưng lượng người đến tìm việc rất ít” – ông băn khoăn. Ông Thu gợi ý bộ phận tuyển dụng liên hệ với trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh, với ban quản lý KCN nơi công ty đang trú đóng nhưng đều không khả thi.

“Nếu ban quản lý KCN có bộ phận tiếp nhận thông tin tuyển dụng và đưa hồ sơ ứng viên lên hệ thống chung thì DN và NLĐ sẽ nhanh chóng gặp nhau. NLĐ khi có nhu cầu tìm việc, chuyển việc chỉ cần đăng nhập lên hệ thống hoặc đến văn phòng ban quản lý KCN thì sẽ biết được ngay DN nào trong KCN đó đang tuyển” – ông Thu góp ý.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hải, người sáng lập ứng dụng JobsGo, cho rằng dịch COVID-19 đã làm thay đổi thị trường lao động phổ thông rất đáng kể, gây ra tình trạng vênh cung – cầu lao động. Đầu tiên, nhiều lao động về quê tránh dịch không quay lại tham gia thị trường lao động khiến các đô thị lớn thiếu hụt nhân công. Tiếp đến, nhận thức về việc làm cũng thay đổi khi NLĐ có thể tự kinh doanh quy mô nhỏ, kinh doanh online, chạy xe công nghệ… để chủ động hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, mức lương mà các DN trả cho NLĐ trong thời điểm này chưa phù hợp so với mức sống của họ. Một điều nữa là còn ít lao động phổ thông biết sử dụng các ứng dụng tuyển dụng, kết nối việc làm đang khá phát triển tại Việt Nam.

Ông Hải nhấn mạnh: “Theo tôi, cổng thông tin việc làm quốc gia cần hoạt động thực chất và hiệu quả hơn để kết nối nhanh cung cầu việc làm, tuyển dụng sao cho tiện dụng và nhanh nhất có thể. Ở đó, mọi thông tin về tuyển dụng được liên thông đến các trung tâm DVVL, đơn vị, đoàn thể có liên hệ trực tiếp với NLĐ để thông tin qua các hội nhóm trên Facebook, Zalo… Có như vậy mới giúp thu hẹp độ vênh của tình trạng cung cầu tuyển dụng hiện nay”.

Xã hội hóa việc thu thập, xử lý dữ liệu

Bộ LĐ-TB-XH đang xây dựng đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung – cầu lao động” dùng cho cơ quan quản lý để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời dự báo cho DN về xu thế dịch chuyển việc làm từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.

Việc thu thập, xử lý dữ liệu cung – cầu lao động sẽ hướng tới xã hội hóa, hình thành nên những DN chuyên nghiệp trong thu thập, xử lý dữ liệu, chứ không hẳn chỉ dựa vào các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học.