Đừng xem thường tai nạn lao động

Tại công trình cầu Mỹ Thành, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên vừa xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) chết người. Thời điểm đó, bà L.T.C (48 tuổi) đang ngồi cột sắt dầm hố cầu thì bất ngờ bị đất vùi lấp. Dù đã được công nhân làm cùng đưa đi cấp cứu nhưng bà không qua khỏi.

Hậu quả khôn lường

Cũng trong tháng 5, tại Bình Định, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 lãnh đạo 2 doanh nghiệp (DN) về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Đó là ông Đ.N.K, Phó Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật – Xây dựng G.P và ông N.T.D, Giám đốc Công ty Xây dựng – Thương mại T.D.

Trước đó, sau khi nhận khoán thi công 14 hạng mục công trình nhà máy chế biến thực phẩm của một DN tại KCN Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định, Công ty CP Xây dựng V.B đã ký hợp đồng khoán toàn bộ các hạng mục này cho Công ty G.P. Ngày 15-9-2022, khi công nhân thi công thì mưa giông, gió mạnh xuất hiện, làm đổ sập bức tường đang xây. Vụ TNLĐ này khiến 5 người chết và 6 người bị thương.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng, nguyên nhân sập tường là do nhà thầu áp dụng biện pháp thi công không hợp lý, chưa bảo đảm sự ổn định, an toàn tuyệt đối cho công trình; điều kiện làm việc của người lao động (NLĐ) chưa bảo đảm…

TNLĐ là điều không ai mong muốn. Khi TNLĐ xảy ra, cả NLĐ lẫn DN đều bị thiệt hại. Song, xét cho cùng, bên thiệt thòi hơn là NLĐ khi có thể mất đi tính mạng hay sức khỏe, kèm theo đó là hệ lụy cho cả gia đình.

Đơn cử trường hợp anh T.L.H – thợ bảo trì của một công ty lắp đặt, sửa chữa thang máy tại quận Tân Bình, TP HCM. Hơn 1 năm trước, anh H. bị TNLĐ khi đang sửa thang máy, dẫn đến chấn thương cột sống và bị liệt nửa người, tỉ lệ thương tật 96%. Đến nay, anh vẫn chưa thể tự đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc sự trợ giúp của vợ. Vợ anh là lao động tự do, phải bỏ việc để chăm sóc chồng. Hiện nay, vợ chồng anh và 3 con nhỏ phải sống dựa vào khoản trợ cấp TNLĐ khoảng 4 triệu đồng/tháng nên vô cùng khó khăn.

Đừng xem thường tai nạn lao động - Ảnh 1.

Vụ tai nạn lao động xảy ra cách đây 3 năm khiến anh Nguyễn Văn Cường, công nhân Công ty TNHH Corsair Marine International (quận 7, TP HCM), mang tỉ lệ thương tật 46%. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Kiểm tra, xử lý doanh nghiệp sai phạm

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2022, cả nước xảy ra 7.718 vụ TNLĐ – tăng 1.214 vụ so với năm 2021. Số người bị TNLĐ là 7.923 – tăng 1.265 người so với năm 2021; trong đó, số người chết là 754 (giảm 32 người) và số bị thương nặng là 1.647 (tăng 10,9%).

Các vụ TNLĐ chết người xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực khai thác mỏ – khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày… Nguyên nhân chủ yếu để xảy ra TNLĐ chết người do người sử dụng lao động chiếm 39,28%, do NLĐ chiếm 18,73% tổng số vụ. Các TNLĐ còn lại là do nhiều nguyên nhân khách quan, do người khác, tai nạn giao thông… Thiệt hại sơ bộ do TNLĐ năm 2022 là 14.385 tỉ đồng, tăng đến 10.413 tỉ đồng so với năm 2021.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động – Bộ LĐ-TB-XH, cho biết để kéo giảm TNLĐ, thời gian qua, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra; yêu cầu DN phải ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất – kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc và có những biện pháp giảm căng thẳng cho NLĐ. Những giải pháp này đã phát huy hiệu quả khi 3 tháng đầu năm 2023, số vụ TNLĐ nói chung và số vụ TNLĐ chết người nói riêng đều giảm.

Là cơ quan quản lý ở địa phương có số vụ TNLĐ chết người cao nhất nước (83 vụ với 86 người chết), Sở LĐ-TB-XH TP HCM đang đề ra nhiều giải pháp để tăng cường bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe NLĐ. Cụ thể, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn – vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) cho cả NLĐ lẫn người sử dụng lao động; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác AT-VSLĐ trong các DN. Sở LĐ-TB-XH còn tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác AT-VSLĐ đối với DN, nhất là những đơn vị hoạt động trong các ngành nghề tiềm ẩn sự cố kỹ thuật, dễ xảy ra TNLĐ.

“Khoán trắng” cho thầu phụ

Năm 2022, các vụ TNLĐ làm chết người tại TP HCM chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân là do đơn vị thi công không có năng lực thực hiện công trình; thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu thi công.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không xây dựng, ban hành quy trình vận hành máy móc, thiết bị và quy trình, biện pháp làm việc an toàn cho công nhân; thường thuê mướn lao động tự do, không ký hợp đồng lao động; không huấn luyện, trang bị kiến thức AT-VSLĐ, phương tiện bảo hộ lao động cho họ; thiếu kiểm tra, giám sát AT-VSLĐ, dẫn đến TNLĐ.