‘Đừng để người lao động nghĩ lên tivi nhận tiền hỗ trợ’

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị TP HCM đẩy nhanh tiến độ chi trả gói hỗ trợ thuê nhà, đừng để người lao động chán nản rồi nghĩ “lên tivi nhận”.

Yêu cầu này được Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu tại buổi làm việc với TP HCM về triển khai gói hỗ trợ thuê nhà trên địa bàn, chiều 18/7.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Gói hỗ trợ thuê nhà ở TP HCM dự kiến giúp đỡ khoảng 1,1 triệu lao động với kinh phí hơn 1.777 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay cơ quan Bảo hiểm xã hội mới chỉ tiếp nhận trên 680.000 hồ sơ, các địa phương mới giải ngân cho gần 13.000 trường hợp với số tiền gần 7 tỷ đồng. Trong đó có trên 400.000 người đang “lọt sổ”, chưa được đưa vào danh sách.

“Tiền không thiếu, quan trọng là đừng bỏ sót ai. Tốc độ giải ngân của thành phố quá chậm”, ông Thanh nói và yêu cầu thành phố cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thường xuyên cập nhật số lượng người nhận tiền để người lao động, doanh nghiệp tin tưởng, có động lực để làm hồ sơ. Nếu quá chậm, người lao động chán nản, không làm thủ tục hỗ trợ nữa, gói hỗ trợ sẽ mất ý nghĩa.

Theo ông Thanh, các quận huyện thành phố cần đặt tiến độ giải ngân nhanh, đưa tiền đến người lao động lên hàng đầu và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tức chi trước kiểm tra sau. TP HCM có gần 1,1 triệu người thuộc diện được hỗ trợ, chiếm gần 1/3 tổng số lao động dự kiến của gói 6.600 tỷ đồng. Do đó, khi thành phố đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong tháng 8 sẽ kéo cả gói về đích.

Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng yêu cầu TP HCM đơn giản thủ tục, rà soát nhanh hồ sơ hưởng, không phức tạp vấn đề để nhiều lao động được tiếp cận chính sách. Đơn cử như TP Thủ Đức loại các trường hợp ở trọ ngoài TP HCM là không đúng với tinh thần của gói Quyết định 08.

“Chỉ cần người lao động làm việc ở TP HCM, tức vùng kinh tế trọng điểm, có tham gia bảo hiểm xã hội là được giúp đỡ, không quan trọng họ đang thuê nhà ở đâu”, ông Thanh nói. Khi đề xuất gói hỗ trợ, ngành lao động đề xuất các thủ tục rất đơn giản với mục tiêu đưa tiền hỗ trợ sớm đến tay người lao động, nhằm đạt mục tiêu cao nhất là giữ chân người lao động, khôi phục sản xuất sau đại dịch.

Ngoài ra, ông Thanh cũng yêu cầu công đoàn, các ngành liên quan đốc thúc, rà soát để cập nhật danh sách người lao động thuê trọ vào danh sách hỗ trợ. Ví dụ, Gò Vấp có hơn 5.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 400 công ty lập danh sách cho người lao động hưởng.

Phòng trọ của người lao động ở Hóc Môn. Ảnh: An Phương

Phòng trọ của người lao động ở Hóc Môn. Ảnh: An Phương

Tại buổi làm việc, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM Nguyễn Văn Lâm tiến độ giải ngân gói hỗ trợ thuê nhà còn chậm do số doanh nghiệp trên địa bàn nhiều, người lao động quá đông; một số công ty chậm triển khai vì muốn gộp hồ sơ một lần. Các tỉnh, thành chưa thống nhất việc tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ thuê nhà với các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, tức chỗ làm việc của người lao động và nơi tham gia bảo hiểm xã hội khác nhau.

Chưa kể để hỗ trợ việc cập nhật cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia, ngành công an đề nghị các quận, huyện khi tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp phải lập danh sách người lao động có thêm thông tin như họ tên cha, mẹ của người lao động, tình trạng đăng ký cư trú. Trong khi đó, mẫu đề nghị hỗ trợ theo Quyết định 08 không yêu cầu, khiến các địa phương khá lúng túng.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết thành phố triển khai gói khá sớm nhưng quá trình thực hiện có vướng một số thủ tục. “Sau cuộc họp này, thành phố sẽ xem việc giải ngân gói hỗ trợ là nhiệm vụ trọng tâm và các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ”, ông Đức nói.

Lê Tuyết