Doanh nghiệp muốn tăng gần gấp đôi giờ làm thêm

Chính phủ đề xuất nới trần làm thêm từ 40 lên 72 giờ mỗi tháng, giới hạn 300 giờ trong năm nhưng nhiều doanh nghiệp muốn tăng 400-500 giờ, điều chỉnh theo năm.

Việc tăng giờ làm thêm là giải pháp tình thế giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19, dự kiến được áp dụng đến hết 31/12/2022. Cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất nới trần làm thêm từ 40 giờ lên 72 giờ mỗi tháng (gấp 1,8 lần) song khống chế 300 giờ mỗi năm, áp dụng cho tất cả ngành nghề thay vì giới hạn một số công việc đặc thù.

Tuy nhiên, ông Bạch Thăng Long, Phó giám đốc Tổng công ty May 10, đề xuất tăng lên 60 giờ mỗi tháng, tối đa 400 giờ mỗi năm bởi “90% lao động muốn làm thêm giờ”. Doanh nghiệp hiện có hơn 13.000 lao động làm việc tại nhiều nhà máy ở các địa phương, được sử dụng tối đa 300 giờ làm thêm mỗi năm.

Ông Long lý giải, sau Tết lao động ồ ạt trở thành F0, F1 khiến nguồn nhân lực khủng hoảng trầm trọng. Tỷ lệ F0 tại các nhà máy ở Thái Bình khoảng 70%, Hà Nội 30% và trung bình toàn tổng công ty khoảng 40-45 %. Bình quân mỗi lao động nghỉ từ 10 đến 14 ngày để điều trị, tương đương với việc doanh nghiệp mất đi 80 đến 112 tiếng làm việc.

Vì thế, các nhà máy phải tăng ca, dồn nhân công các dây chuyền để làm những đơn hàng gấp. Dự kiến đến cuối tháng 3 mới, nhà máy có thể ổn định khi công nhân lần lượt khỏi bệnh. Đặc thù ngành may chưa tính ảnh hưởng của dịch cũng có thời gian cao điểm cần làm thêm liên tục, như nửa cuối năm hoặc giáp Tết.

Lãnh đạo công ty tính toán, thu nhập bình quân của công nhân đạt 8,5 triệu đồng mỗi tháng và tăng lên khoảng 10 triệu nếu tăng ca, là “mức chấp nhận được”. Năng suất lao động của công nhân khi làm thêm cũng không đạt được như bình thường, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ thêm bữa ăn ca, ăn phụ để đảm bảo sức khỏe.

“Không ai muốn làm thêm giờ và không phải ngành nào cũng có thể làm thêm cả năm, song điều này là cần thiết, áp dụng thời gian ngắn hạn theo mùa vụ”, ông nói.

Công nhân May 10 hiện có mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng đã bao gồm tăng ca khoảng một tiếng mỗi ngày. Ảnh: Hồng Chiêu

Công nhân May 10 hiện có mức thu nhập bình quân 8,5 triệu đồng đã bao gồm tăng ca khoảng một tiếng mỗi ngày. Ảnh: Hồng Chiêu

Lãnh đạo Công ty Goertek, doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh) cũng đang được sử dụng tối đa 300 giờ làm thêm mỗi năm và muốn tăng kịch trần lên 500 giờ.

Theo ông Zhang Jian Hua, Phó tổng giám đốc công ty, công nhân làm việc 8 tiếng và tăng ca 1-2 tiếng mỗi ngày vào lúc ít đơn hàng. Ngược lại, thời điểm đơn hàng gấp cần tăng làm thêm lại không đủ. Thời gian tăng ca trong tháng chưa dùng hết không được điều chỉnh linh hoạt sang tháng sau.

Nhà máy có 32.000 lao động đang làm việc, chủ yếu là công nhân trẻ. Doanh nghiệp kêu nếu không tăng ca khó tuyển lao động hoặc tuyển được nhưng công nhân cũng không gắn bó lâu dài. Với chi phí sinh hoạt, nhà trọ hiện nay, người lao động dễ “nhảy” sang công ty làm thêm nhiều, thu nhập cao hơn.

“Họ muốn tăng ca để tăng thu nhập, đáp ứng được nhu cầu cuộc sống”, ông Zhang nói về nhu cầu của công nhân.

Ông Zhang Jian Hua, Phó tổng giám đốc Goertek (KCN Quế Võ, Bắc Ninh) nói doanh nghiệp này muốn tăng làm thêm lên tối đa 400 - 500 giờ mỗi năm. Ảnh: Hồng Chiêu

Ông Zhang Jian Hua, Phó tổng giám đốc Goertek (KCN Quế Võ, Bắc Ninh) nói doanh nghiệp này muốn tăng làm thêm lên tối đa 400 – 500 giờ mỗi năm. Ảnh: Hồng Chiêu

Dù không khảo sát với công nhân, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó giám đốc Công ty Catalan chuyên xuất khẩu gạch ốp lát, đóng tại khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), khẳng định công nhân cơ bản đồng tình làm thêm giờ. Ông kiến nghị nới giờ làm thêm theo năm để có thể linh hoạt điều chỉnh theo đơn hàng, ứng biến với đại dịch và tăng tối đa khoảng 300-400 giờ mỗi năm.

Công ty Catalan có hơn 800 lao động và đang được áp dụng tối đa 200 giờ làm thêm mỗi năm. Sau Tết, khoảng 15% công nhân là F0, có dây chuyền ba người còn 1-2 lao động, khối lượng công việc tăng và theo ông Nguyên, công nhân đồng ý làm thêm giờ để gồng gánh việc thay cho người phải nghỉ điều trị Covid-19. Dây chuyền được đầu tư máy móc hiện đại, nhân công chiếm tỷ trọng nhỏ, việc đứng máy khá nhẹ nhàng nên tăng giờ làm thêm 1-2 tiếng mỗi ngày “không phải ảnh hưởng quá lớn đến công nhân”.

Lãnh đạo công ty tính toán, lương bình quân của người lao động năm 2020 là 10,5 triệu đồng, tăng lên 10,9 triệu năm 2021. Nếu làm thêm tối đa, tổng thu nhập của lao động tăng lên khoảng 11,3-11,4 triệu đồng và quỹ tiền lương doanh nghiệp tăng thêm 5-7%, giải quyết được nhiều đơn hàng gấp đi châu Âu.

“Chưa có đơn nào bị hủy, song công ty phải từ chối nhiều cơ hội trong thời điểm đông lao động là F0”, ông Nguyên nói.

Dây chuyển sản xuất trong nhà máy của Công ty Catalan, doanh nghiệp chủ yếu cần lao động có tay nghề cao. Ảnh: Hồng Chiêu

Dây chuyển sản xuất trong nhà máy của Công ty Catalan, doanh nghiệp chủ yếu cần lao động có tay nghề cao. Ảnh: Hồng Chiêu

Không đồng tình với mức tăng 72 giờ mỗi tháng, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng cơ quan quản lý chỉ nên giới hạn dưới 60 giờ, loại trừ một số nhóm lao động vị thành niên, lao động nữ có thai, nuôi con nhỏ, người làm việc nặng nhọc, độc hại chứ không thể áp dụng cho tất cả ngành.

Ông nhắc lại thời giờ làm việc, làm thêm được Quốc hội thảo luận kỹ trước khi thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Thời điểm đó, cộng đồng doanh nghiệp muốn tăng giờ làm thêm lên 300-400 giờ mỗi năm song Quốc hội cân nhắc nhiều yếu tố, cuối cùng quyết định tối đa 200 giờ và chỉ đồng ý mở rộng lên 300 giờ cho một số ngành nghề. Quy định tăng giờ làm thêm cũng mới có hiệu lực từ đầu năm 2021.

“Không thể nói người lao động muốn tăng thêm giờ làm thêm mà phải là làm để có thu nhập trang trải cuộc sống”, ông Quảng nói và phân tích nếu thu nhập đủ sống, người lao động chỉ muốn làm việc 8 giờ trong ngày, thậm chí rút ngắn thời gian làm việc để về với gia đình, con cái chứ không ai muốn tăng ca.

Ông cũng nhấn mạnh việc tăng giờ làm thêm chỉ là giải pháp tình thế giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, áp dụng trong thời gian ngắn, hết năm 2022 hoặc cho tới khi dịch được khống chế. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần có chính sách bền vững, nâng cao năng suất lao động chứ không thể đặt ra tăng giờ làm thêm.

Hôm 10/3 khi xem xét dự thảo, Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá việc áp dụng trần 300 giờ cho mọi ngành nghề, công việc là quá rộng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chưa cung cấp đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế về tăng giờ làm thêm. Cơ quan này đề nghị Bộ phải rà soát các ngành nghề mà nếu tăng giờ làm sẽ ảnh hưởng sức khỏe lao động, quy định theo hướng loại trừ các nhóm không áp dụng mức trần này.

Dự kiến trong phiên họp thứ 9 vào ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về tăng giờ làm thêm với người lao động, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ.

Theo Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ đầu năm 2021, giờ làm thêm khống chế 40 giờ mỗi tháng, không quá 200 giờ mỗi năm. Chủ sử dụng lao động khi tổ chức làm thêm giờ phải được người lao động đồng ý, đảm bảo số giờ làm thêm không quá 50% giờ làm việc bình thường trong ngày. Nếu áp dụng giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng thời gian làm việc lẫn làm thêm không quá 12 tiếng mỗi ngày và không quá 40 giờ mỗi tháng.

Luật chỉ mở rộng khung giờ làm thêm tối đa 300 giờ mỗi năm cho một số ngành nghề, như: Sản xuất gia công xuất khẩu hàng dệt may, da giày, chế biến nông lâm, thủy sản, sản xuất và cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu, cấp thoát nước, diêm nghiệp, điện, điện tử.

Hồng Chiêu