Dạy thêm là nghề kinh doanh có điều kiện: Tính kỹ để không “bình mới rượu cũ”
Tại phiên họp Quốc hội ngày 20/11, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần xem lại quy định về quản lý dạy thêm, học thêm, vì thời gian gần đây tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh.
Giải trình ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, dạy thêm, học thêm hay các nguyện vọng được học tập ngoài nhà trường là một nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học thì hoạt động này cũng rất đa dạng.
“Trong quá trình sửa Luật Đầu tư, chúng tôi đã gửi Văn bản số 134 cho Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn bản số 2026 gửi Thủ tướng Chính phủ vào năm 2020 đề nghị bổ sung việc dạy thêm, học thêm vào danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng không rõ lý do tại sao trong quá trình từ năm 2020-2021 thì việc này không được chấp thuận”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Đây là nội dung không mới, đã được đưa ra bàn luận từ nhiều năm nay, song đề xuất của Bộ GD-ĐT lại một lần nữa làm “nóng” lên vấn đề về quản lý dạy thêm, học thêm. Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) – người có nhiều năm giảng dạy, làm công tác quản lý trong ngành giáo dục đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
PV: Dạy thêm, học thêm là vấn đề không mới, nhưng luôn “nóng” của ngành giáo dục, để quản lý tốt hơn hoạt động này, Bộ GD-ĐT đề xuất quy định dạy thêm là một nghề kinh doanh có điều kiện. Là người có nhiều năm công tác, gắn bó với ngành giáo dục, thầy nghĩ sao về quan điểm này?
Thầy Nguyễn Văn Xuân: Đứng dưới góc độ người làm quản lý giáo dục, tôi cho rằng cần đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các trung tâm dạy thêm, học thêm cần được quản lý, đảm bảo có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất mới được phép hoạt động, điều này là phù hợp.
Tuy nhiên trong thực tế vẫn có không ít thầy cô dạy thêm cho học sinh miễn phí, vì mục đích từ thiện, hay những thầy cô giáo già đã về hưu vẫn mở lớp dạy miễn phí cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật… không vì mục đích thù lao. Nếu yêu cầu những giáo viên này cũng phải đảm bảo các điều kiện để cấp giấy phép là rất khó. Do đó, khi xây dựng quy định cũng cần lưu ý đến nhóm đối tượng này.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, học thêm là nhu cầu thực của một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh, vậy việc quy định dạy thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liệu có giảm được những tiêu cực của hoạt động này trong thời gian qua không, thưa thầy?
Thầy Nguyễn Văn Xuân: Trước hết cần khẳng định học thêm là nhu cầu có thật 100% của phụ huynh, học sinh. Chương trình GDPT mới vẫn nói giảm áp lực cho học sinh, nhưng trên thực tế không hề giảm, khối lượng bài vở, kiến thức vẫn rất lớn. Có những phần kiến thức học sinh không đi học thêm chắc chắn sẽ bị hao hụt, vì thầy cô không thể dạy hết trên lớp. Bộ GD-ĐT đưa ra những yêu cầu cần đạt về mặt kiến thức với học sinh, nhưng khi kiểm tra, thi cử, chắc chắn sẽ có thêm phần nếu không học thêm các em khó có thể làm được.
Phụ huynh rất lo lắng, nghĩ rằng nếu không học thêm con khó có thể theo được các bạn. Bên cạnh đó cũng có nhiều bậc cha mẹ có tâm lý, con hàng xóm học thêm, nếu con mình không học lại thấy chưa yên tâm. Những yếu tố trên khiến việc học thêm, dạy thêm trở thành một cuộc đua, người người học thêm, nhà nhà cho con đi học thêm.
Nhưng vẫn cần nhấn mạnh rằng, học thêm là nhu cầu thực, đa số các em học thêm với mong muốn củng cố kiến thức. Ngoài ra cũng có những phụ huynh cho con đi học thêm vì mục đích gửi gắm, nhờ cô quản lý con giúp vì không có thời gian trông con. Chỉ có một lượng nhỏ học sinh thực sự giỏi, có thể tự học, không cần học thêm, còn lại hầu hết học sinh hiện nay đều học thêm, phụ huynh cho con đi học vừa để có thêm kiến thức, vừa để quản lý thời gian của con.
Song cũng không thể phủ nhận, việc dạy thêm, học thêm vẫn có nhiều mặt trái, nhiều thầy cô trong các trường cũng có những “chiêu trò” để học sinh theo học, làm méo mó hình ảnh nhà giáo.
Do đó, việc quy định dạy thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý, điều này cũng đỡ “mang tiếng” cho các trường. Trung tâm nào tốt, học sinh có quyền lựa chọn, không nhất thiết phải theo giáo viên trong trường.
Khi có quy định và quản lý rõ ràng, cũng hạn chế được những mặt trái của việc dạy thêm, học thêm như hiện nay.
PV: Nếu quy định dạy thêm là một nghề kinh doanh có điều kiện, thì cần có những điều kiện nào để quản lý tốt hoạt động này?
Thầy Nguyễn Văn Xuân: Theo tôi, quan trọng nhất là bộ phận cấp phép cần rất khách quan. Sẽ có nhiều cách để lách luật nhằm được cấp phép, nếu bộ phận đánh giá cấp phép không làm việc xác đáng, thực chất, vẫn sẽ hình thành những cơ sở kém chất lượng, việc quản lý dạy thêm học thêm vẫn sẽ “bình mới rượu cũ”.
Các cơ sở dạy thêm cũng cần đảm bảo quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Nên chăng, cần có quy định về kiểm tra, đánh giá lại trình độ giáo viên theo chu kỳ 2-3 năm 1 lần. Quan trọng nhất là công tác quản lý nhà nước cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra đúng nghĩa, minh bạch để không phát sinh những cơ sở làm chưa thực chất. Về mặt chất lượng, đánh giá của phụ huynh, học sinh sẽ mang tính khách quan, thực tế nhất.
Tóm lại việc đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết, song cần tính toán kỹ các quy định để quản lý hiệu quả hoạt động này.
PV: Xin cảm ơn thầy!
Theo vov.vn
Copy link
Lấy link!
https://vov.vn/xa-hoi/day-them-la-nghe-kinh-doanh-co-dieu-kien-tinh-ky-de-khong-binh-moi-ruou-cu-post1061000.vov