Đẩy mạnh đào tạo nhân lực eSports, FTA
Do đó, ngành thể thao điện tử (eSports) có sức phát triển mạnh mẽ hàng đầu khu vực, tiềm năng tạo ra nhiều việc làm và doanh thu tỉ đô trong hệ sinh thái kinh tế số.
TS Hoàng Xuân Lâm, Chủ tịch Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị (UTM), cho rằng nhu cầu về nhân lực trong ngành thể thao điện tử Việt Nam ở mức cao, nhưng người được đào tạo bài bản không nhiều. Tuy được đánh giá sẽ trở thành một ngành công nghiệp số rất tiềm năng nhưng theo ông Lâm, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành eSports tại Việt Nam hầu hết không được đào tạo bài bản và thường chuyển từ các ngành nghề khác sang.
Trong 2 – 3 năm tới, nước ta cần khoảng 30.000 nhân lực cho ngành game nói chung và eSports nói riêng. “Để Việt Nam theo kịp xu thế và sự phát triển eSports trên thế giới, việc xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực này là rất cần thiết” – ông Lâm nhấn mạnh.
Đội Genius Esport của Việt Nam ra nước ngoài thi đấu
Hiện Việt Nam vẫn chưa có mã ngành đào tạo cho ngành game nên UTM và Tổ chức giáo dục Pearson Vương quốc Anh đã hợp tác đào tạo nhân lực eSports. Như vậy, UTM sẽ trở thành tổ chức đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đào tạo Chương trình BTEC ngành eSports. Học viên học các môn như: hệ sinh thái thể thao điện tử, phân tích kỹ năng và chiến thuật, lập kế hoạch cho một dự án, phân tích trò chơi, triết lý thiết kế trò chơi, cách thức tổ chức sự kiện, giải đấu, livestream về thể thao điện tử… Quá trình học tập được kiểm soát chặt chẽ bởi Pearson, nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.
Nguồn nhân lực chuyên gia thực thi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) ở trung ương, địa phương và doanh nghiệp (DN) còn rất hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu khiến tỉ lệ tận dụng C/O (chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi chưa cao. Đó là nhận định từ tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA” vừa được tổ chức.
Báo cáo cho thấy, có tỉnh, thành chỉ có 1 người phụ trách thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA. Tại các cơ quan quản lý nhà nước, số lượng các cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn thiếu và cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác.
Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ những địa phương thực thi FTA. Bên cạnh đó, nhân lực trong các DN chưa nắm rõ quy định về FTA có liên quan trực tiếp đến hoạt động như quy tắc xuất xứ, hải quan, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu…, khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt cơ hội xuất nhập khẩu từ FTA.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó trưởng Phòng WTO và FTA (Vụ Chính sách thương mại đa biên – Bộ Công Thương), cho rằng phải gia tăng số lượng nguồn nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA ở cả cơ quan quản lý cấp trung ương, địa phương và DN, giảm các công tác kiêm nhiệm; cần đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA một cách bài bản và quy mô hơn.