Cú sốc lần đầu bị sa thải, tôi nhận ra: “Như một cú tát thẳng vào mặt, nhưng điều diễn ra sau đó mới đáng ngạc nhiên”
Mick Kubiak là một nhà trị liệu cho các vấn đề hôn nhân và gia đình, sống tại Los Angeles, đồng thời cũng là cây bút nổi bật của Working Nation. Cô còn đảm nhận công việc giáo viên dạy thiền.
Hiện tại, Mick Kubiak có nhiều hơn một công việc và hoàn toàn chủ động về con đường phát triển sự nghiệp của bản thân. Tuy nhiên, trước đây, cô cũng từng rơi vào một quãng thời gian khủng hoảng nghiêm trọng, sau khi bị sa thải lần đầu tiên trong đời.
”Tôi sẽ không bao giờ quên được điều đó”, Kubiak kể lại.
Một cú sốc đích thực: “Như bị con cá ướt tát thẳng vào mặt!”
”Lúc đó tôi còn trẻ, vì vậy tôi đã không lường trước được kết quả ấy sẽ đến, dù đã có không ít tín hiệu cảnh báo trước. Đó hoàn toàn là một cú sốc đối với tôi, thậm chí còn kinh khủng hơn khi nó xảy ra vào buổi sáng trước khi ca làm việc của tôi bắt đầu. Tôi nhớ mình đã ăn mặc chỉn chu, tâm thế rất vui vẻ để đến công ty, chuẩn bị cho một ca làm việc kéo dài tám tiếng.
Chỉ ngay sau đó, vẫn trong ánh nắng ban mai rạng ngời, bộ quần áo công sở ngay ngắn, tôi bỗng trở thành người không có nơi nào để đi. Nếu mẹ tôi có thể nhìn thấy tôi vào lúc đó, bà chắc chắn nói, ‘Trông con như vừa bị một con cá ướt tát thẳng vào mặt!’ Đó là một cách ví von khác lạ, nhưng chính xác là cảm giác của tôi. Tôi cứ thơ thẩn đi giữa phố mà không có bất cứ một suy nghĩ nào trong đầu. Tôi quá sốc!”
Có vẻ mọi người đều muốn tránh khỏi cú sốc, nhưng đối với Mick Kubiak, đây thực sự là một liều thuốc giải phóng ý thức tuyệt vời. Nó đã xóa sạch mọi suy nghĩ của cô, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Việc này là bằng chứng về sức mạnh làm sạch tâm trí.
”Đôi khi tôi phải ngồi thiền hàng tiếng đồng hồ mới đạt được trạng thái đó. Vậy mà lúc đó, tất cả những gì tôi phải làm là bị sa thải,” Kubiak cười đùa ví von.
Là một người có nguyên tắc điển hình, Kubiak muốn thiết lập lại sự kiểm soát của bản thân với công việc cũng như cuộc sống càng nhanh càng tốt. Khi đó, cô vội vã bỏ qua cơ hội để trải nghiệm một tâm trí trống rỗng mà tìm cách lấp đầy bằng những điều khác. Đó là các cuộc điện thoại cho bạn bè để được trấn an, lên kế hoạch kiếm một công việc khác, cố gắng che giấu tất cả sự tổn thương dưới lớp vỏ bọc bận rộn.
Những tác dụng phụ tích cực đến từ cú sốc
Tuy nhiên, sau này trưởng thành và đối mặt với nhiều chuyện hơn, Kubiak đã bắt đầu nhận ra một số tác dụng phụ tích cực mà cú sốc có thể đem lại. Cô gọi đó là “mua vui trong đau khổ”. Đôi khi, cô còn kiên nhẫn ngồi yên khi nó đến với mình, thay vì lao vào công cuộc lấp đầy mọi thứ.
”Nếu các bạn cũng có lúc rơi vào hoàn cảnh như tôi, hoặc phải đối mặt với những sự thay đổi đột ngột của kế hoạch cuộc sống, hãy đủ tỉnh táo để nhận thức rằng: Có những nguồn sức mạnh đáng ngạc nhiên luôn đi kèm với những mất mát”, Kubiak khuyến khích.
Giống như Carol Anthony đã viết trong cuốn sách A Guide to the I Ching của cô ấy: “Sốc đôi khi có tác dụng hữu ích trong việc phá vỡ thói quen tư duy logic vốn có. Mặc dù điều này sẽ khiến chúng ta cảm thấy bị đe dọa, không còn an toàn, thì đó lại là cơ hội để chúng ta nhìn mọi thứ từ một góc nhìn mới mẻ hơn.”
Điều này giúp Kubiak nhận ra, ngay cả khi không nhận thức được năng lượng từ cú sốc bị sa thải, cô vẫn hưởng lợi từ nó. Điều này đã phá vỡ cuộc sống mà cô luôn cho là “mặc định”.
Cô nhận ra, mình đã cố níu giữ rất nhiều thứ vô giá trị. Không chỉ công việc, mà cô cũng đang ở trong một mối quan hệ không có kết quả và sống ở một thành phố không mang lại nhiều cơ hội phát triển.
Trên thực tế, không lâu sau khi bị sa thải, cô đã kết thúc mối quan hệ, chuyển đến một thành phố khác và bắt đầu một quỹ đạo sống hoàn toàn mới.
”Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không bị sa thải, nhưng trải nghiệm đó đã thúc đẩy tôi phải bước ra khỏi vùng an toàn của mình”, cô nhận định.
Một tác dụng phụ tích cực khác của cú sốc là cho phép chúng ta nhìn và nghe những suy nghĩ của mình rõ ràng hơn. Bạn có thể nhận thấy thói quen tư duy của mình có thể đáng sợ và tồi tệ đến mức nào.
Bạn cũng sẽ nhận thấy những suy nghĩ như, “Đây là một thảm họa”, “Tôi quá già để kiếm một công việc khác”, “Chấm hết rồi”… đều chỉ là những nỗi sợ hãi viển vông.
*Nguồn: Working Nation