Công nhân lao đao vì thiếu việc
Gần 2 tháng nay, chị Lê Thị Xuyền, công nhân (CN) Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex (sản xuất nội thất gỗ; đóng tại quận 12, TP HCM), phải ra về lúc 16 giờ 30 phút. Không tăng ca, lại không làm ngày thứ bảy, thu nhập của chị giảm gần phân nửa. Không chỉ CN ngành gỗ mà CN ở các doanh nghiệp (DN) dệt may, giày da… tại TP HCM và nhiều tỉnh cũng lâm vào cảnh tương tự.
Đơn hàng giảm trầm trọng
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Giám đốc sản xuất Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex, cho biết từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, ngành gỗ liên tục gặp khó khăn vì thiếu đơn hàng. Việc vận chuyển hàng hóa sang châu Âu, Mỹ gặp nhiều trở ngại cũng khiến tình hình sản xuất của công ty thêm khó.
Công nhân Công ty CP Hợp tác và Phát triển Savimex (quận 12, TP HCM) không tăng ca và phải nghỉ làm ngày thứ bảy.Ảnh: HỒNG ĐÀO
Hiện 1.200 CN của Savimex tại 2 chi nhánh ở TP Thủ Đức và quận 12 chỉ làm giờ hành chánh, nghỉ ngày thứ bảy. “Nếu tình hình kéo dài, sắp tới, CN có thể phải nghỉ luôn ngày thứ sáu” – ông Trung ưu tư.
Sau 2 năm nỗ lực chống chọi dịch COVID-19, Công ty TNHH Fly High Garment (quận Gò Vấp, TP HCM) vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, thậm chí còn khó khăn hơn. Ông Phan Thanh Bình, phụ trách Phòng Hành chính – Nhân sự của công ty, cho biết hàng may mặc của DN này chủ yếu xuất ra thị trường nước ngoài. Song, những tháng qua, do đối tác ở nước ngoài chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh nên hàng hóa của công ty tồn kho không bán được.
Công nhân mất việc ở các doanh nghiệp ngành gỗ tại tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn khi xin việc làm mới.Ảnh: THẢO NGUYỄN
Đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng buộc Công ty TNHH Fly High Garment phải cho CN nghỉ chờ việc suốt tháng 8-2022. Đầu tháng 9, tình hình khá hơn nhưng công ty cũng chỉ sản xuất cầm chừng, không tổ chức cho CN tăng ca. “Cả DN lẫn CN đều đang gặp khó khăn, thậm chí còn hơn lúc dịch. Chỉ mong những tháng cuối năm, tình hình đơn hàng khởi sắc để CN có việc làm ổn định” – ông Bình bày tỏ.
Ghi nhận của chúng tôi tại các KCX-KCN ở TP HCM cho thấy nhiều DN lớn cũng đối diện khó khăn do thiếu đơn hàng, có thể phải cắt giảm lao động. Quản lý một DN da giày có hơn 5.000 lao động tại KCX Linh Trung II (TP Thủ Đức) cho biết: “Hiện nay, 2 chuyền sản xuất không còn hàng để làm. Ban giám đốc dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 500-700 lao động của 2 chuyền này. Công ty sẽ thông báo trước việc cắt giảm cho CN 30 hoặc 45 ngày và đối tượng chủ yếu là CN mới” – vị quản lý này cho hay.
Tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), do khan hiếm đơn hàng nên có một xưởng với khoảng 300 lao động chỉ đi làm 8 giờ/ngày.
Vất vả tìm việc
Ghi nhận của chúng tôi tại Bình Dương cho thấy nửa cuối năm 2022, nhiều nhà máy ở các DN ngành gỗ do thiếu đơn hàng và nguyên liệu nên chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí cắt giảm lao động.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, anh Nguyễn Hữu Thân (quê An Giang) phải nghỉ làm ở 3 công ty vì DN thiếu đơn hàng. Ba công ty anh Thân làm việc đều sản xuất gỗ đóng ở thị xã Tân Uyên, trong đó có nơi anh gắn bó hơn 3 năm, có nơi mới vào được 3 tháng thì hết việc. Hai tháng nay, anh liên hệ tìm việc khắp nơi nhưng vô vọng.
“Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều một tay vợ lo hết, trong khi công ty của cô ấy cũng có nguy cơ hết đơn hàng, giảm giờ làm” – anh Thân buồn bã. Vợ chồng anh Thân có 2 con, một bé phải gửi dưới quê nhờ ông bà chăm sóc vì chi phí sinh hoạt đắt đỏ trong khi việc làm không có.
Trong khi đó, từ tháng 3-2022, chị Hà Thị Chỉ (quê Hà Giang) hết hợp đồng tại Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Hoa Nét (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) nên bị công ty cho nghỉ luôn vì không có đơn hàng. Chị Chỉ cho biết hơn 3 năm làm việc ở công ty này, thu nhập rất tốt nhưng từ sau dịch, đặc biệt là thời điểm đầu năm 2022 thì thu nhập giảm sâu, trong khi giá cả thị trường tăng mỗi ngày.
“Hơn 4 tháng nay, tôi đi kiếm việc làm mới nhưng khó quá. Mới hôm qua, nghe bạn bè giới thiệu có công ty ở Tân Uyên tuyển người, tôi tức tốc đi nộp hồ sơ nhưng đến nơi thấy rất nhiều người cũng xin việc, bên nhân sự bảo chờ…” – chị Chỉ rầu rĩ.
Là một trong hàng chục người chờ nộp hồ sơ trước cổng Công ty TNHH Astro Engineering Việt Nam (KCN Kim Huy, TP Thủ Dầu Một), anh Phạm Văn Phong (quê Nghệ An) cho biết hơn 2 tuần nay đã đi khắp các KCN trên địa bàn xin việc nhưng không có kết quả. “Cách đây 2 năm, từ ngoài quê vào Bình Dương, tôi chỉ cần đi 1 buổi sáng là có thể lựa chọn được công ty ưng ý để nộp hồ sơ rồi, còn bây giờ quả thật rất vất vả. Một số công ty treo biển tuyển dụng nhưng khi tôi vào hỏi thì bảo vệ đều lắc đầu, không nhận hồ sơ. Nếu tình hình này kéo dài, tôi lại phải về quê rồi qua năm vào tính tiếp” – anh Phong thẫn thờ.
Kỳ tới: Xoay xở chật vật
Sản xuất cầm cự, cho CN nghỉ việc tạm thời
Theo Công đoàn các KCN Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, các DN ngành gỗ tại KCN Tam Phước đang gặp khó khăn về đơn hàng. Ngoài ra, các DN gia công giày da cũng trong tình trạng tương tự. Các DN này phải sắp xếp cho CN nghỉ 3-4 ngày trong một tháng, bằng các hình thức như bố trí nghỉ phép năm; riêng trường hợp đã hết phép năm thì cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu.
Đại diện Công đoàn Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam (KCN Tam Phước, TP Biên Hòa) cho biết do khó khăn về đơn hàng, công ty đã tạm ngưng hợp đồng với 700 lao động trong thời gian 1 tháng. Theo một nữ CN Công ty TNHH Gỗ Lee Fu Việt Nam, do đơn hàng ngày càng ít đi nên công ty cho CN ngưng việc. 14 ngày đầu tiên, CN được hưởng mức lương 180.000 đồng/người/ngày; từ ngày thứ 15 trở đi thì không được hưởng nữa.
Để bảo đảm thu nhập cho NLĐ trong bối cảnh đơn hàng khan hiếm, một DN ngành giày da có đông CN ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai phải giải quyết cho họ nghỉ phép 2 ngày/tháng. Nếu phép năm 2022 hết thì cho nghỉ sang phép của năm 2023. “Công ty cố gắng cầm cự, khi tình hình khả quan thì sẽ hoạt động trở lại bình thường, nếu đơn hàng vẫn khó khăn thì phải tính tới phương án khác” – đại diện công ty này cho biết.
D.Linh