Công đoàn muốn hiệp hội doanh nghiệp rút đề xuất hoãn tăng lương

Trong bối cảnh 56% lao động nói tiền lương không đủ sống, đại diện công đoàn kiến nghị hiệp hội doanh nghiệp rút đề xuất hoãn tăng lương từ ngày 1/7.

Tại hội thảo về tăng lương và ổn định thị trường lao động chiều 26/4, TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Công nhân Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), dẫn khảo sát mới nhất của công đoàn trên hơn 2.000 lao động cho kết quả gần 56% nói thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; 23% phải chi tiêu tằn tiện mới đủ và 13% thu nhập không đủ sống tối thiểu.

Viện phó Công nhân Công đoàn - TS Phạm Thị Thu Lan trong hội thảo chiều 26/4. Ảnh: Hồng Chiêu

Viện phó Công nhân Công đoàn, TS Phạm Thị Thu Lan, trong hội thảo chiều 26/4. Ảnh: Hồng Chiêu

Gần 53% người tham gia khảo sát cho biết thu nhập hiện tại ảnh hưởng quyết định sinh con; hơn 17,4% lao động có con dưới 18 tuổi nói hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ; 3% lao động chưa bao giờ mua sữa cho con uống. Vì vậy, nhu cầu tăng lương của lao động là bức thiết nhất lúc này.

“Nhìn vào đời sống công nhân, các hiệp hội nên cân nhắc và rút đề xuất hoãn tăng lương từ ngày 1/7”, bà Lan nói.

Nhắc lại đợt lao động hồi hương tháng 7, 10/2021 khiến thị trường lao động thiếu hụt trầm trọng trước và sau Tết, đến nay chưa phục hồi hoàn toàn, ông Vũ Quang Thọ, nguyên Viện trưởng Công nhân Công đoàn, nói tăng lương khiến chi phí doanh nghiệp đội lên song lao động là nguồn tạo ra sức sống, lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Lao động Việt Nam hiện vẫn là “giá rẻ” trong nền công nghiệp gia công với thu nhập 5-6 triệu đồng mỗi tháng. Sống ở thành phố lớn, mỗi lao động nếu phải nuôi thêm một người thì khó cáng đáng. “Không tăng lương lúc này thì còn đợi lúc nào?”, ông Thọ nói.

Cho rằng đàm phán tăng lương không phải là câu chuyện thắng – thua trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện tại, TS Đỗ Quỳnh Chi, Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, phân tích nếu tăng lương, người lao động lẫn doanh nghiệp đều hưởng lợi nhiều hơn. Sau đại dịch, lao động kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, là lý do chính khiến họ ồ ạt trở về quê ngay sau khi các tỉnh thành phía Nam mở cửa.

“Việc lao động có quay lại thành phố hay không phụ thuộc vào cách họ được đối xử thế nào trong đại dịch và kể cả thời điểm này”, bà nói.

Hội đồng Tiền lương quốc gia hôm 12/4 thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1/7/2022. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.

Đại diện VCCI đồng ý với mức tăng 6% song chưa hài lòng với thời điểm tăng từ 1/7/2022, mong muốn điều chỉnh từ 1/1/2023 để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị khi đơn hàng, kế hoạch sản xuất đã vào guồng. Ngày 14/4, tám hiệp hội doanh nghiệp có công văn gửi Chính phủ kiến nghị lùi thời điểm tăng lương sang đầu năm sau.

Hồng Chiêu