Có nên “nhảy” việc sau Tết?

Trong khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, người lao động (NLĐ) lại ồ ạt xin nghỉ việc sau Tết với nhiều lý do khác nhau khiến thị trường lao động – việc làm trở nên khác biệt so với những năm trước. Các chuyên gia lĩnh vực lao động – việc làm cho rằng dịch Covid-19 đã tạo ra nhiều lý do khiến NLĐ muốn “nhảy” việc, như biến động trong ngành, mất cân bằng công việc, thiếu kết nối với đồng nghiệp, kiệt sức vì căng thẳng… Trước tình thế này, nhiều doanh nghiệp buộc phải đưa ra các chính sách mới để vừa giữ chân NLĐ vừa tìm kiếm giải pháp nâng cao năng suất lao động.

Người đi, kẻ ở

Khảo sát trực tuyến của Công ty Tư vấn tuyển dụng Anphabe cho thấy 60% người tham gia đã và đang chủ động tìm kiếm công việc mới trên thị trường lao động.

Có nên nhảy việc sau Tết? - Ảnh 1.

Lao động trẻ thường không thích ràng buộc quá lâu ở một chỗ làm việc

Sau khi lĩnh thưởng Tết, chị Ngô Phương Thảo (quê Đắk Lắk) quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Hành động “dứt áo ra đi” của Thảo khiến nhiều đồng nghiệp bất ngờ bởi chị là một nhân viên có năng lực và gắn bó nhiều năm với công ty. Có người ủng hộ song cũng có ý kiến cho rằng chị “cạn tàu ráo máng” với công ty. Chỉ có Thảo mới trả lời được lý do vì sao chị nghỉ việc.

“Chính sách quản lý kiểu gia đình của công ty khiến tôi ức chế trong thời gian dài, cơ hội vươn lên cấp quản lý cũng rất ít, do vậy ra đi là giải pháp tối ưu. Thế là tôi chọn nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội mới” – chị Thảo giải thích. Thông qua LinkedIn (mạng xã hội việc làm) và các ứng dụng tìm việc trực tuyến khác, chị tích cực tìm kiếm cơ hội cho mình nhưng kết quả nhận về là sự thất vọng. Chỉ có một nhà tuyển dụng đồng ý nhận chị vào làm nhưng hai bên không tìm được tiếng nói chung về tiền lương.

Khác với Thảo, dù được nhiều đơn vị mời nhưng anh Lê Công Thoảng (quê Vĩnh Long) chỉ muốn gắn bó với công ty cũ dù Tết vừa rồi không có thưởng. Thoảng hiện là kỹ thuật viên điện lạnh và đã 6 năm gắn bó với một công ty chế biến thực phẩm quy mô vừa tại huyện Bình Chánh, TP HCM.

“Dịch bệnh khiến công ty phải tạm ngưng hoạt động nhiều tháng do không đủ điều kiện sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”. Tuy vậy, công ty vẫn trả một nửa lương cho NLĐ nên ai cũng nể phục ông chủ. Đó là lý do vì sao tôi không muốn rời đi lúc này” – anh Thoảng tâm sự.

Cần cân nhắc

Chuyện người đi, kẻ ở như chị Thảo và anh Thoảng khá phổ biến. Trao đổi về vấn đề này, bà Đặng Thị Thái Hòa, Phó Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng – Văn phòng Adecco TP HCM, cho rằng “nhảy” việc dù sau Tết hay bất cứ thời điểm nào cũng là quyền của NLĐ. Đó là sự lựa chọn nghề nghiệp và NLĐ đã cân nhắc rất kỹ mới quyết định. Khi NLĐ chấp nhận thay đổi công việc vì không còn cảm thấy thoải mái và tâm huyết với chỗ làm cũ nữa thì người sử dụng lao động nên tạo điều kiện cho họ ra đi.

“Theo lẽ thường, người ta sẽ đánh giá việc NLĐ nghỉ việc vào thời điểm nhạy cảm này là ích kỷ, bội bạc với những người đã trả lương và thưởng cho mình suốt thời gian qua. Nhưng theo tôi, chẳng ai nghỉ việc khi chỗ làm đang tiến triển, thu nhập hợp lý, cơ hội còn nhiều, môi trường tốt. Ở đây, tôi muốn nói đến chính sách thu hút và giữ chân NLĐ của các chủ doanh nghiệp ” – bà Hòa nhấn mạnh.

Nhắn nhủ với những ai muốn nhảy việc, bà Hòa cho rằng trước khi quyết định “dứt áo ra đi”, việc đầu tiên là NLĐ hãy đánh giá lại bản thân để biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình nhằm định hướng cho công việc sắp tới. Tiếp theo, NLĐ phải cân nhắc xem tình hình tài chính cá nhân liệu có đủ để vượt qua giai đoạn chờ việc mới hay không.

Theo bà Hòa, không nên nghỉ việc khi chưa tìm được công việc mới. NLĐ cũng nên cập nhật lại hồ sơ tìm việc vì đây là công cụ đầu tiên giúp nhà tuyển dụng biết đến nhu cầu đổi việc của ứng viên. 

Tỉ lệ thiếu việc làm ở thành thị vượt mức 4%

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm 2021, Việt Nam có hơn 1,4 triệu người thất nghiệp, tăng 0,54% so với năm 2020. Trong đó, tỉ lệ thiếu việc làm ở thành thị vượt mức 4% – cao hơn khu vực nông thôn.

Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), số lao động thất nghiệp tại Việt Nam trong năm 2022 vào khoảng 1,3 triệu người. Đến năm 2023, số lao động thất nghiệp sẽ giảm về mức tương tự năm 2021 nhưng vẫn cao hơn năm 2019 (khoảng 1,1 triệu người).