“Cố làm việc đến chết” vì sếp tuyên bố sốc: Ở đây ai thích cân bằng cuộc sống và công việc thì đi về

Ở đây không có cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Trong cuộc họp video gần đây với nhân viên, ông Richard Liu – nhà sáng lập JD.com, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc – cảnh báo công ty của ông không có chỗ cho bất kỳ ai muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

“Chúng tôi có những nhân viên thích tận hưởng cuộc sống, đặt cuộc sống lên hàng đầu và công việc chỉ ở hàng thứ hai. Tôi có thể hiểu được việc họ không muốn làm lụng chăm chỉ, mỗi người đều có những lựa chọn khác nhau… Tôi chỉ muốn nói rằng họ không phải là anh em của chúng tôi, họ chỉ là người qua đường”, Liu nói. “Chúng ta tốt nhất là không nên làm việc cùng nhau”.

Liu cho biết tập đoàn sẽ tăng cường nỗ lực loại bỏ những kỹ sư CNTT không làm việc chăm chỉ và không hoàn thành công việc, đồng thời khen thưởng những nhân viên làm việc hiệu quả.

Lời cảnh báo này không quá bất thường ở quốc gia tỷ dân. Khi các giám đốc điều hành trong ngành công nghệ Trung Quốc phải đối mặt với thực tế mới về tăng trưởng thấp, cạnh tranh gia tăng và sự thờ ơ của nhà đầu tư, nhiều người đang cắt giảm nhân sự và đưa ra yêu cầu khắt khe hơn đối với những nhân viên muốn ở lại.

Các kỹ sư ở Trung Quốc chưa bao giờ được hưởng mức phúc lợi như những người đồng cấp ở Thung lũng Silicon, nơi họ có cả bác sĩ và quầy sushi tại nơi làm việc. Jack Ma, nhà sáng lập công ty thương mại điện tử Alibaba, từng nói với nhân viên rằng tiêu chuẩn 996 của ngành công nghệ (9 giờ sáng đến 9 giờ tối, sáu ngày một tuần) là “một phước lành”.

Hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng chậm lại và giá cổ phiếu giảm – năm công ty công nghệ đại chúng hàng đầu của Trung Quốc đã mất tổng cộng khoảng 1,3 nghìn tỷ USD giá trị thị trường so với mức đỉnh cao vào năm 2021 – các giám đốc điều hành thậm chí còn muốn tinh gọn nhân sự và khắt khe hơn.

Làm việc đến chết

Người trong ngành coi tập đoàn thương mại điện tử Pinduoduo là hình mẫu để noi theo. Năm ngoái, công ty có trụ sở tại Thượng Hải đã tạo ra 60 tỷ nhân dân tệ (8,4 tỷ USD) lợi nhuận — tương đương 3,4 triệu nhân dân tệ cho mỗi nhân viên trong số 17.000 nhân viên— gấp ba lần năng suất của Tencent và gấp chín lần Alibaba.

Để đạt được thành tích đó, nhân viên Pinduoduo phải làm việc nhiều giờ liền. Năm 2021, có hai nhân viên đã tử vong vì làm việc quá sức. Một cựu nhân viên từng chia sẻ thời gian làm việc quá dài trong hai năm làm khiến cô phải dừng “các tương tác xã hội, sở thích và thậm chí cả đời sống tình cảm”. “Sau khi nghỉ việc, tôi như thể được kết nối lại với xã hội”, cô nói.

Để tăng hiệu quả chính mình, các trụ cột trong ngành là Alibaba và Tencent đã cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên kể từ năm 2021.

Ding Wenhua, người gần đây đã rời TikTok do ByteDance sở hữu, cho biết sa thải cứ như một trò chơi ngẫu nhiên mà họ phải liên tục né tránh. “Cảm giác về khả năng bị sa thải luôn hiện hữu, mọi người đều căng thẳng và lo lắng về điều đó.”

Biến động này gây chấn thương nhất cho các chuyên gia công nghệ lớn tuổi, thường là những người trên 35 tuổi, những người phải đối mặt với mối đe dọa lớn nhất là bị sa thải trong khi thị trường việc làm quá khắc nghiệt.

Các ông chủ thường coi những người trên 35 tuổi là tốn kém và họ thường ít chịu làm tăng ca vì còn có trách nhiệm ở nhà. “Chưa bao giờ tìm được việc lại khó khăn đến thế”, một kỹ sư cơ sở hạ tầng sắp bước sang tuổi 40, người gần đây đã bị công ty gọi xe DiDi sa thải, than thở.

Jenny Chan, phó giáo sư xã hội học tại Đại học Bách khoa Hong Kong, lý giải các công ty công nghệ đang “tìm kiếm những tài năng trẻ, chưa lập gia đình, có thời gian linh hoạt ở các thành phố lớn, trong khi từ bỏ những người lớn tuổi và ít cạnh tranh hơn”. Bà cho biết “Những người có gia đình thường có sự chông chênh giữa công việc và gia đình”.

Năm ngoái, nền tảng việc làm Lagou và dịch vụ tư vấn Yixinli đã thăm dò 2.200 chuyên gia tại các thành phố lớn nhất Trung Quốc về công việc của họ. Cuộc khảo sát cho thấy 60% cảm thấy lo lắng về triển vọng phát triển nghề nghiệp không rõ ràng và 44% lo lắng về việc thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

“Nhiều người trong ngành này trải qua một mức độ trầm cảm nào đó, áp lực đối với chúng tôi rất lớn”, một nhân viên TikTok tại Trung Quốc nói với FT, tiết lộ cô đã phải dùng thuốc điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Sự hiện diện toàn cầu của TikTok có nghĩa là công việc không bao giờ kết thúc. “Tôi thường tham dự các cuộc họp vào giữa đêm”.

“Đừng đến xin tôi tăng lương”

Đối với nhiều người Trung Quốc, tuyên bố của phó chủ tịch quan hệ công chúng Baidu, Qu Jing, vào tháng trước đã minh họa cho toàn bộ văn hóa làm việc nơi dây.

“Nếu bạn không muốn đi công tác với tôi trong 50 ngày và muốn về nhà, đừng đến xin tôi tăng lương hay thăng chức”, bà nói trong một video. Qu muốn nhân viên lúc nào cũng túc trực. Bà không quan tâm liệu công việc có ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân của họ hay không. “Tôi không phải mẹ của bạn”, bà nói. “Tôi chỉ quan tâm đến kết quả”.

Theo truyền thông Trung Quốc, sau khi video ngắn của Qu lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc, Baidu đã sa thải bà và nói quan điểm này không đại diện cho văn hóa công ty.

Nhưng nhiều người cho biết thái độ của Qu cũng chẳng khác gì ông chủ của họ, những người luôn mong đợi công việc được đặt lên hàng đầu.

“Ngay cả khi bạn đang nghỉ phép, về cơ bản bạn vẫn phải trả lời tin nhắn”, Ding nói.

Một nhà phát triển tại Tencent Games đồng ý rằng công việc thường chiếm hết thời gian. “Bề ngoài, tôi có vẻ rất bình tĩnh”, anh nói. “Nhưng áp lực thì rất lớn, chúng tôi giống như bánh răng nghiến cho đến khi bị hỏng vì thiếu dầu bôi trơn”.

“Vào cuối tuần, nếu không phải làm thêm giờ, tôi sẽ nhốt mình trong nhà hai ngày để không phải nói chuyện.”

Tuy nhiên, đối với nhiều người ở Trung Quốc, công nghệ vẫn là ngành tốt nhất để làm việc. Những sinh viên mới tốt nghiệp bị thu hút bởi chế độ trọng dụng nhân tài tương đối của các công ty cùng mức lương cao.

Bất chấp những tranh cãi, nhiều ông chủ trong ngành công nghệ vẫn muốn thúc đẩy nhân viên làm nhiều hơn.

Li Ming, một nhà sáng lập công nghệ, cho biết ông đang cân nhắc làm thế nào để nhóm nhỏ của mình làm việc chăm chỉ hơn, nói rằng ông không vui khi một số nhân viên về nhà trước mình vào mỗi buổi tối.

“Một mặt, tôi hiểu nhân viên phải tan sở lúc 7h30 tối, họ phải về với gia đình”, ông nói. “Mặt khác, tôi muốn họ làm việc đến 9 hoặc 10 giờ, đó là những gì đối thủ cạnh tranh của chúng tôi đang làm. Chúng tôi chẳng tồn tại được nếu không làm giống như thế”.


Theo Mạnh Kiên