Cơ hội việc làm vẫn mở với người có kỹ năng
Báo cáo thực trạng nhân sự ngành sản xuất 2023 vừa được Navigos công bố, cho thấy bức tranh không mấy khởi sắc của ngành sử dụng nhiều lao động này. Ít nhất 50% doanh nghiệp (DN) đối mặt với sụt giảm doanh thu, trong đó có công ty bị ảnh hưởng đến 91%. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các DN ưu tiên áp dụng giảm giờ làm và cắt giảm lao động, thu hẹp quy mô sản xuất. Nhiều DN chọn giải pháp giảm bớt dây chuyền hoặc đóng cửa nhà máy.
Lao động phổ thông thất thế
Dù biết trước nhưng anh Võ Văn Đức (35 tuổi, quê Long An) không khỏi bất ngờ khi phân nửa nhân sự Công ty TNHH gạch ngói Đ.D (quận 12, xưởng huyện Bình Chánh, TP HCM) phải nghỉ việc kể từ đầu tháng 8.
Công việc khuân vác, xếp ngói tuy nặng nhọc nhưng đó là nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống anh và mẹ già. Anh Đức và các đồng nghiệp mất việc làm bởi công ty đã đầu tư mua hệ thống sản xuất ngói tự động. Dây chuyền này đã làm thay công việc của hơn 25 người. “Mấy hôm nay đăng ký chạy xe ôm công nghệ nhưng chỉ được vài chuyến/ngày. Nhiều người khuyên tôi nên đi học nghề vì từ trước đến nay tôi chưa có nghề gì. Chắc tôi phải học chứ không có nghề thời buổi này khó kiếm được việc làm” – anh Đức nói.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại để giảm chi phí nhân công
Không riêng anh Đức, hàng chục ngàn lao động trong ngành sản xuất đã và đang mất việc làm bởi làn sóng cắt giảm nhân sự. Theo ghi nhận của Navigos, hơn một nửa DN tham gia khảo sát đã cắt giảm khoảng 10% lao động. Cũng có không ít DN giảm 20% đến trên 40% nhân sự. Mới đây, Công ty CP Garmex Sài Gòn thông báo họ đã cắt giảm 1.941 lao động. Trước đó, 3 tháng đầu năm, công ty cũng đã cắt giảm 1.797 lao động. Trong tháng 6 vừa qua, DN dệt may xuất khẩu này vẫn giảm thêm 144 người.
Bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, cho rằng việc sụt giảm đáng kể đơn hàng trong ngành sản xuất công nghiệp dẫn đến tình trạng sa thải lớn lực lượng lao động, nhất là trong lĩnh vực điện tử – bán dẫn, dệt may, nội thất và hóa chất… Theo bà Kim, nếu thiếu đơn hàng, nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết, chính sách hỗ trợ DN và người lao động (NLĐ) không kịp thời thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, lan sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.
Đáng chú ý, xu hướng các nhà máy đang tập trung vào số hóa, tự động hóa, sản xuất tinh gọn và chính sách “zero-carbon” đã dẫn đến sự thay đổi trong yêu cầu lao động, trong đó nhu cầu lao động thủ công có kỹ năng thấp ngày càng giảm. Hiện nhiều DN chuyển sang tìm kiếm nhân lực có chuyên môn về robot, tự động hóa quy trình và công nghệ sản xuất tiên tiến.
Ưu tiên kỹ năng
Cũng theo bà Kim, nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam đang thay đổi chiến lược tuyển dụng. Các vị trí ưu tiên tuyển người nước ngoài đang giảm mạnh, chủ yếu là những vị trí chuyên gia để đào tạo và chuyển giao công nghệ. Do đó, những ứng viên trong nước có kỹ năng chuyên môn cao đang được các DN ưu tiên săn đón.
“NLĐ cần tăng tốc trau dồi những kỹ năng về công nghệ để nắm bắt cơ hội trong giai đoạn với nhiều biến động. Bởi hầu hết các chiến lược của DN đều hướng đến cải cách công nghệ và tối ưu chi phí” – bà Kim đánh giá. Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khiến các DN đẩy mạnh tinh gọn cơ cấu nhân sự, đồng thời tuyển dụng lao động có kỹ năng, tay nghề cao để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi sắp tới.
Adecco Việt Nam dự đoán thị trường tuyển dụng và việc làm từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và chưa ghi nhận nhiều động thái tích cực từ phía các DN. Làn sóng cắt giảm còn kéo dài và hình thức “sa thải thầm lặng”, tức không tuyển thay thế những vị trí đã nghỉ việc cũng sẽ gia tăng. Một số ngành được kỳ vọng làm khởi sắc thị trường việc làm như công nghệ, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật số.
Ông Đoàn Tiến Vũ, Trưởng nhóm quản lý dự án của CareerBuilder Vietnam, cho rằng vẫn có nhiều DN sẵn sàng tuyển dụng nhân sự. Con số hơn 19.000 việc làm trên CareerBuilder Vietnam chờ NLĐ ứng tuyển phần nào minh chứng thị trường việc làm vẫn đang rộng mở. Nhiều vị trí tuyển dụng mới được cập nhật liên tục và đó là cơ hội cho NLĐ.
Tuy nhiên, xu hướng tuyển dụng người có trình độ, kỹ năng và tay nghề nhiều hơn. “Đi kèm thách thức luôn là cơ hội. Sau khủng hoảng, kinh tế luôn vượt lên rất nhanh và là thời điểm thị trường việc làm sôi động nhất. Vì thế, NLĐ cần chuẩn bị kỹ để tìm kiếm cho mình những vị trí việc làm tốt hơn” – ông Vũ nói.