Cơ hội lớn từ chương trình kỹ năng đặc định
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) vừa chính thức tổ chức hội nghị triển khai chương trình lao động kỹ năng đặc định (KNĐĐ). Đây là chương trình mới thu hút sự quan tâm của nhiều lao động đang làm việc tại Nhật Bản và những lao động đã hoàn thành chương trình thực tập kỹ năng (TTKN) đã về nước, mở ra cơ hội việc làm ổn định, lâu dài với mức thu nhập cao.
Không thu phí môi giới
Tháng 12-2018, Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý Xuất Nhập cảnh và chấp nhận tị nạn sửa đổi, trong đó quy định cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài vào Nhật Bản theo tư cách lưu trú KNĐĐ và việc triển khai tiếp nhận loại hình lao động này từ ngày 1-4-2019. Đây là nỗ lực của chính phủ Nhật Bản nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt ngày càng trầm trọng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước mặt trời mọc.
Học viên tại Công ty TNHH Nhật Huy Khang tích cực học tập để chuẩn bị sang Nhật Bản
Triển khai chương trình này, tháng 10-2019, Dolab đã có công văn hướng dẫn triển khai phái cử lao động KNĐĐ sang Nhật Bản đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Từ ngày 23 đến 27-11-2020, Dolab đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình đưa lao động KNĐĐ đi làm việc ở Nhật Bản nhằm hướng dẫn toàn bộ DN có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài về các quy định tiếp nhận của Nhật Bản cũng như quá trình triển khai MOU (biên bản ghi nhớ) giữa các cơ quan chức năng 2 nước về phái cử và tiếp nhận loại hình lao động KNĐĐ. Hiện Nhật Bản đã thành lập 100 trung tâm tư vấn với 11 ngôn ngữ khác nhau trên toàn quốc để hỗ trợ lao động KNĐĐ. Tại hội nghị, Dolab đã hướng dẫn các DN về các điều kiện hợp đồng cung ứng, hợp đồng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài và hồ sơ để đăng ký thẩm định hợp đồng và xác nhận danh sách phái cử. Cụ thể, cơ quan Chính phủ quản lý hoạt động tiếp nhận là Tổng cục Quản lý lưu trú xuất nhập cảnh Nhật Bản. Cơ quan này tiếp nhận trực tiếp sử dụng lao động, riêng đối với ngành nông nghiệp và ngư nghiệp, do tính đặc thù, cơ quan tiếp nhận có thể phái cử lao động đến các chủ sử dụng, ví dụ như HTX nông nghiệp, ngư nghiệp làm thủ tục tiếp nhận và phái cử lao động đến các hộ gia đình.
Điều đáng lưu ý khi triển khai chương trình KNĐĐ là cho phép môi giới việc làm nhưng không được thu tiền môi giới từ người lao động (NLĐ). Các chi phí giới thiệu việc làm sẽ do cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản chi trả cho DN môi giới. “Đối tượng tham gia chương trình phải hoàn thành chương trình TTKN 3 năm không vi phạm hợp đồng. Điều kiện để DN được tham gia phái cử lao động KNĐĐ trước hết phải là DN được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có hợp đồng ký với đối tác Nhật Bản tiếp nhận lao động KNĐĐ Việt Nam. DN phái cử phải thực hiện trách nhiệm quản lý và hỗ trợ của mình căn cứ vào điều khoản ký trong hợp đồng dịch vụ phái cử đã ký với NLĐ trước khi xuất cảnh” – ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Dolab, lưu ý.
Thị trường xuất khẩu lao động khởi sắc
Vui mừng trước cơ hội tham gia chương trình KNĐĐ, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (quận Gò Vấp, TP HCM), cho biết chương trình sẽ mở ra cơ hội việc làm lâu dài, ổn định với thu nhập cao cho cả lao động Việt đang ở Nhật Bản và những lao động đã về nước từ Nhật Bản. Tuy còn nhiều điều kiện khắt khe mà chương trình đưa ra cũng như tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp nhưng ông Bình tự tin khẳng định chương trình này sẽ giúp thị trường xuất khẩu lao động khởi sắc trong năm 2021.
Ông Bình cho biết để tham gia chương trình KNĐĐ, đối với NLĐ đang cư trú tại Nhật Bản phải đăng ký dự thi năng lực tiếng Nhật và kỹ năng nghề thông qua DN phái cử. DN sẽ lập danh sách và gửi đăng ký thi của NLĐ đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Các TTKN sau khi hoàn thành thời gian thực tập tại Nhật Bản sẽ được miễn kỳ thi nếu không đổi ngành nghề lao động. Du học sinh tốt nghiệp khóa học tối thiểu 2 năm tại các trường có cấp bằng tại Nhật; hoàn thành các thủ tục tại Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản, có tên trong danh sách xác nhận theo quy định của MOU. Đối chiếu với những quy định của chương trình KNĐĐ, những TTKN đã về nước sẽ có cơ hội quay lại Nhật Bản làm việc thêm 5 năm. Các điều kiện để quay lại Nhật Bản cũng xoay quanh chuyên môn đã làm trước đó và trình độ, năng lực tiếng Nhật. “Đây thực sự là hướng đi để giải quyết việc làm cho các thực tập sinh về nước hiện gặp khó khăn khi tìm việc làm tại quê nhà. Nếu được làm việc thêm 5 năm, NLĐ sẽ tích lũy được thêm vốn kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và cả vốn tài chính tạo sức bật cho sự nghiệp về sau” – ông Bình nói.
Theo ông Phạm Viết Hương, đây là chương trình mới, do vậy các DN cần nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định của cả hai nước để triển khai, tích cực tìm kiếm đối tác và thận trọng trong đàm phán ký kết hợp đồng cung ứng. Dolab sẽ tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ các DN tích cực triển khai và giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy chương trình triển khai có hiệu quả.