Chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn bất cập
Đầu tháng 11-2022, sau khi Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (quận 12, TP HCM) thông báo giải thể, LĐLĐ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội quận 12 đã liên hệ với các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn để kết nối, giới thiệu làm việc cho 826 lao động mất việc. Tuy nhiên, theo thông tin từ các DN tuyển dụng, số lao động đến tìm hiểu khá đông nhưng người đồng ý nhận việc lại hạn chế do chỉ muốn tìm việc thời vụ, trong khi các nơi đều tuyển lao động chính thức.
Khống chế thời gian hưởng tối đa
Tại Công ty TNHH May Shin Dong (phường Hiệp Thành, quận 12), gần 300 công nhân (CN) từng làm việc tại Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam đến liên hệ phỏng vấn. Kết quả, có 9 CN nhận việc và đã đi làm, số còn lại không đồng ý. Tại Công ty TNHH WooYang ViNa cũng có hơn 150 CN Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam đến tìm việc nhưng không trường hợp nào nhận việc. Lý do người lao động (NLĐ) không đồng ý làm chính thức là vì nếu ký HĐLĐ và tham gia BHXH, BHYT, BHTN thì họ không thể hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Chị P.T.H (41 tuổi), CN Công ty TNHH May Sun Kyoung, cho hay chị đóng BHTN từ năm 2009, đến nay đã tham gia được gần 14 năm nhưng chỉ được hưởng tối đa 12 tháng TCTN. Nếu chị H. không hưởng TCTN mà tiếp tục đi làm và đóng BHTN thì thời gian tham gia sẽ tăng nhưng quyền lợi cũng chỉ dừng lại ở mức 12 tháng. “Như vậy, nếu tôi có đóng thêm BHTN thì cũng không được tính hưởng. Chưa kể, khi tìm việc làm mới, có mức lương thấp hơn thì khi tính hưởng TCTN cũng sẽ thấp. Suy đi tính lại, tôi và nhiều đồng nghiệp quyết định làm thủ tục đề nghị hưởng TCTN” – chị H. cho biết.
Công nhân Công ty TNHH Tashuan (quận Bình Tân, TP HCM) không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì doanh nghiệp nợ BHXH
Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, vấn đề chị H. đề cập hiện được quy định tại khoản 2 điều 50 Luật Việc làm năm 2013. Cụ thể, thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng BHTN, cứ đóng đủ 12 tháng đến 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. “Một trong những nguyên tắc của BHTN (quy định tại điều 41 Luật Việc làm năm 2013) là được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHTN. Như vậy, việc quy định mức hưởng tối đa của người tham gia là 12 tháng TCTN đang vi phạm nguyên tắc này khi giới hạn thời gian tính hưởng chỉ dưới 12 năm đóng” – luật sư Tín phân tích.
Thất nghiệp mà không được hưởng trợ cấp
Có tham gia BHTN và hiện không có việc làm nhưng chị Nguyễn Kim Trúc, CN Công ty TNHH T.S (huyện Bình Chánh, TP HCM) lại không được hưởng TCTN.
Chị Trúc cho hay chị làm việc và tham gia BHXH tại Công ty TNHH T.S từ năm 2001. Tháng 10-2021, chị nghỉ việc nhưng do DN nợ BHXH nên đến tháng 9-2022 mới chốt và trả sổ BHXH cho chị. Sau đó, chị đến trung tâm dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng TCTN thì bị từ chối giải quyết do không đáp ứng điều kiện “có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN”. “Tôi đã hơn 45 tuổi nên tìm việc rất khó khăn và hiện đang thất nghiệp. Từ khi thôi việc, tôi cũng làm cho vài nơi nhưng họ chỉ nhận làm thời vụ, không được tham gia BHXH, BHTN. Nếu sắp tới, tôi vẫn không thể tiếp tục tham gia BHTN thì có khả năng mất trắng quyền lợi BHTN sau nhiều năm tham gia” – chị Trúc lo lắng.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến tháng 6-2022, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước hơn 24.500 tỉ đồng. Trong đó, hơn 3.500 tỉ đồng là nợ khó đòi thuộc các DN đã bị phá sản, giải thể, không có khả năng trả nợ khiến hơn 206.000 lao động bị ảnh hưởng quyền lợi. Đặc biệt, NLĐ lâm vào cảnh khó khăn khi không được hưởng quyền lợi về TCTN, mặc dù rõ ràng họ đang không có việc làm.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do quy định tại điều 2, khoản 1 Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH bổ sung một số điều của Thông tư 32/2010/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo đó, điều kiện hưởng BHTN là người đang đóng BHTN. Người đang đóng BHTN là người có tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã đóng BHTN. Đối với những lao động làm việc tại các DN nợ BHXH thì không thể đáp ứng điều kiện này.
Theo luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, bản chất của BHTN là một chính sách an sinh xã hội của nhà nước nhằm bảo đảm hay bù đắp một phần thu nhập của NLĐ khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ mà chưa tìm được công việc mới. Từ thời điểm quy định về BHTN có hiệu lực, các quy định về BHTN đều hướng tới bảo đảm tối đa và tạo điều kiện để NLĐ mất việc làm được hưởng các chế độ an sinh thất nghiệp. Quy định tại Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH đã và đang ảnh hưởng tới đời sống của nhiều NLĐ nghèo bị mất việc làm, từ đó có thể dẫn đến suy giảm niềm tin của NLĐ vào chính sách an sinh xã hội nếu không điều chỉnh kịp thời.
Luật sư TRẦN HỮU TÍN, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự:
Người lao động thiệt thòi
Khi hưởng TCTN, NLĐ còn được mua BHYT, được hỗ trợ tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề… Vì vậy, khi không được hưởng TCTN, NLĐ cũng sẽ không được hưởng các quyền lợi này nên rất thiệt thòi. Quỹ BHTN có phần đóng góp của NLĐ với nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHTN. Thế nhưng, với các quy định hiện hành như nêu trên thì nguyên tắc này chưa bảo đảm, phần nào hạn chế tính ưu việt của chính sách BHTN.