Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương?

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương? - Ảnh 1.

Lương cơ bản trung bình tháng của lao động Việt bằng ¼ Singapore

JETRO (Tổ chức xúc tiến Thương mại nhật Bản) vừa công bố báo cáo Khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm tài chính 2022. Báo cáo thường niên này được JETRO thực hiện vào 22/8 – 21/9/2022, nên họ cũng quy đổi từ VND sang USD dựa theo tỷ giá bình quân tháng 9/2022.

Tại Việt Nam, chỉ có 603/1.818 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động kinh doanh trả lời hợp lệ, trong đó có 309 công ty chế tạo – sản xuất và 294 phi chế tạo (bán lẻ/công nghệ/bất động sản…).

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương? - Ảnh 2.

Theo đó, trong năm tài chính 2022, mức lương cơ bản trung bình 1 tháng mà các DN Nhật trong ngành chế tạo trả cho công nhân Việt là 277 USD, kỹ sư là 540 USD, quản lý là 1.114 USD; ở ngành phi chế tạo, nhân viên được trả 729 USD, quản lý là 1.529 USD.

Theo đó, tiền lương cơ bản của công nhân Việt Nam khá thấp nếu so với các thị trường khác – kể cả khu vực Đông Nam Á. Ví dụ: các DN Nhật Bản trả cho công nhân Úc 4.122 USD, HongKong 2.422 USD, Singapore 1.905 USD, Trung Quốc 607 USD, Malaysia 430 USD và Thái Lan là 385 USD.

Lương của các vị trí còn lại tại Việt Nam đều thấp hơn Singapore, Thái Lan và Malaysia. Lương căn bản trung bình tháng mà các DN Nhật Bản trả cho lao động Singapore đều cao hơn gấp 4 lần so với Việt Nam.

Có thể vì mức lương quá thấp và vật giá lại tăng cao, khiến tỷ lệ tăng lương so với năm trước nói chung mà người lao động Việt Nam muốn cao thứ nhì Đông Nam Á, chỉ sau Lào: năm 2022 là 5,8 % so với 5,4% năm 2021, tỷ lệ tăng lương năm 2023 dự đoán có thể không đổi – khoảng 5,9%.

Trong năm 2021, các DN Nhật Bản đã tăng trung bình 5,5% lương cho nhân sự ngành chế tạo và 6,1% cho lao động trong ngành phi chế tạo; năm 2023, dự đoán số liệu tương ứng sẽ là 5,5 và 6,3%.

Với mức lương cơ bản thấp của lao động Việt Nam, nếu ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, 7 triệu đồng chỉ đủ chi tiêu cho 1 người (không có nhà), còn nếu phải nuôi gia đình, nhiều khả năng sẽ không đủ. Tuy nhiên, theo khảo sát mới đây của JETRO, thì các doanh nghiệp Nhật Bản khá quan ngại về tỷ lệ tăng lương cao nhì khu vực Đông Nam Á này của Việt Nam.

Tại đề mục ‘Hấp dẫn và thách thức trong môi trường kinh doanh – So sánh rủi ro kinh doanh’ giữa các nước Đông Nam Á, trong hạng mục ‘Vấn đề quản lý’ , thì ‘Tăng lương nhân viên’ đứng đầu lựa chọn của các DN Nhật, còn tại Thái Lan nó đứng thứ 2 và Indonesia đứng thứ nhất. Trong năm 2022, tỷ lệ tăng lương so với năm trước ở Indonesia là 3,9% và 2023 dự đoán là 4,5%.

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương? - Ảnh 3.

Ngoài ra, trong nhiều năm trước, tỷ lệ tăng lương hàng năm của Việt Nam thường ngang bằng hoặc thua Indonesia, chỉ từ năm 2020 – khi Covid-19 bùng nổ, mới bắt đầu vọt lên và vượt qua nước láng giềng.

Một vấn đề liên quan đến nhân sự nữa khiến các DN Nhật rất quan ngại ở thị trường Việt Nam là ‘Mức độ nghỉ việc’ – nó thậm chí còn nằm cao hơn ‘Mức tiền công’ trong Top 10 ‘Rủi ro kinh doanh’. Cụ thể hơn: số 1 là ‘Tính hiệu quả trong các thủ tục hành chính’, thứ tư là ‘Mức độ nghỉ việc’ và thứ 6 là ‘Mức tiền công’.

So với các nước khác, tại Việt Nam, chi phí nhân công thấp là một lợi thế, tuy nhiên, tiền lương tăng nhanh gây ảnh hưởng tới vấn đề tuyển dụng. Cũng khó đảm bảo nguồn nhân lực có kiến thức về tài chính và giỏi tiếng Anh ”, các DN Nhật cho hay.

Tóm lại, trong mắt các DN Nhật hoạt động ở Việt Nam, thì ‘họ có thể dễ dàng tuyển dụng nhân lực đáp ứng nhiều vị trí khác nhau (tuy nhiên người giỏi cả chuyên môn và ngoại ngữ không nhiều), giá nhân công vẫn còn khá rẻ so với mặt bằng chung, song nhân sự lại có xu hướng đòi tăng lương nhanh hàng năm và rất dễ nghỉ việc’.

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương? - Ảnh 4.

DN sẽ chọn hướng đầu tư máy móc để giảm thiểu sự tham gia của con người

Hiện tại, năng suất lao động của nhân công Việt Nam không phù hợp với tiền lương mà họ nhận được. Hay nói cách khác, lương tăng nhưng năng suất lao động của nhân sự Việt không tăng như doanh nghiệp mong muốn; điều này ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh sản xuất, khiến chi phí gia tăng.

Nếu nguồn nhân lực tại Việt Nam tiếp tục duy trì tình trạng như thế này, thì các doanh nghiệp Nhật nói riêng và FDI nói chung có thể hướng đến các thị trường có giá nhân công thấp hơn, ví dụ như Bangladesh (pv – lương công nhân cơ bản tháng ở đây là 127 USD trong 2022).

Hoặc, để duy trì sự phát triển trong tương lai, DN sẽ chọn hướng đầu tư vào chuyển đổi số – trang bị máy móc để giảm thiểu sự tham gia của con người; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực của công ty để có kỹ năng – chuyên môn tốt hơn ”, ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện JETRO HCM cho hay.

Chỉ trả cho công nhân Việt Nam lương trung bình dưới 7 triệu đồng/tháng, vì sao các DN Nhật Bản vẫn quan ngại chuyện tăng lương? - Ảnh 5.

Ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện JETRO HCM

Cũng theo ông, thị trường kinh doanh của Việt Nam khá tương đồng với Indonesia, nên những dự báo – hiệu quả khá giống nhau. Giá nguyên vật liệu và chi phí nhân công sẽ là 2 thứ mà các nước trong khu vực Đông Nam Á dùng để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài. Việt Nam cần phải tìm cách tăng nhanh năng suất lao động cũng như tăng nguồn nhân lực có trình độ cao trong công nghiệp.

JETRO cũng mong muốn Chính phủ Việt Nam có thể mở rộng các trường đào tạo nghề và các trường đại học công nghiệp, kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hóa nguồn nhân lực ở khu vực nông thôn.

Thật ra, những quan ngại nói trên của các DN Nhật không phải không có cơ sở. Mới đây, Tổng cục Thống kê – Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Báo cáo Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Năng suất lao động được tính bằng GDP bình quân trên một lao động đang làm việc trong năm.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2020, năng suất lao động của toàn nền kinh tế ước tính đạt 150,1 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 6.466 USD/lao động/năm), gấp 2,1 lần năm 2011 (70 triệu đồng/lao động/năm). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động của toàn nền kinh tế đạt 5,29%.

Dù đã được cải thiện, nhưng theo Tổng cục Thống kê, mức năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng.

Tính theo PPP (sức mua tương đương) từ 2017 – 2020, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18.400 USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines.

Còn theo thông tin từ báo cáo trong năm 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) so sánh, năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang tụt hậu 10 năm so với Thái Lan, 40 năm so với Malaysia và 60 năm so với Nhật Bản.


Quỳnh Như