Cẩn trọng với nhóm kín “việc nhẹ, lương cao”
Những thông tin tuyển dụng hấp dẫn “việc nhẹ, lương cao”, kèm theo những cam kết để thu hút người tìm việc đầy rẫy trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người tìm việc, nhất là công nhân, sẽ rơi vào những cái bẫy hết sức tinh vi được giăng sẵn bởi các đối tượng xấu.
Nhiều mánh khóe
Đang trong thời gian nghỉ thai sản, với mong muốn cải thiện thu nhập, chị N.T.L.N, công nhân của một doanh nghiệp tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh, TP HCM), lên mạng tìm việc làm thêm.
Truy cập vào các hội nhóm tìm việc làm thêm trên Facebook, chị N. thấy công việc gia công bút bi tại nhà với điều kiện không đóng tiền cọc và không bỏ vốn. Với 1.000 sản phẩm, chị sẽ nhận được tiền công 4 triệu đồng. Không nghi ngờ, chị N. liên lạc và được thêm vào một nhóm trên Zalo. Vào nhóm, chị N. được một số thành viên nhiệt tình chỉ dẫn từng bước để có thu nhập.
Với những phương thức thao túng tâm lý có tổ chức, họ dẫn dụ chị N. từ bỏ vốn đầu tư, lúc đầu chỉ là 300.000 đồng và sau đó con số này lên đến 300 triệu đồng. Để có tiền chuyển cho nhóm, chị phải bán vòng vàng cưới, vay mượn khắp nơi, tuy nhiên số tiền này một đi không trở lại. Anh T. (chồng chị N.), sau khi tìm hiểu kỹ, mới phát hiện vợ anh chỉ là “con mồi”, còn lại là các đối tượng lừa đảo.
Chị N.T.L.N rất hoang mang sau khi bị lừa đảo Ảnh: HUỲNH NHƯ
Chị L.Th.M (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng bị lừa hơn 150 triệu đồng với kịch bản tương tự. Chị M. thất nghiệp từ tháng 11-2022 do công ty hết đơn hàng. Trước Tết, qua mạng xã hội, chị tìm thấy một nhóm chuyên tuyển nhân viên trả lời, tư vấn khách hàng cho một shop kinh doanh online. Khi vào tương tác, họ yêu cầu chị tải Telegram và được đưa vào nhóm có tên “PHONG BAO HIEM 01”.
Trong nhóm có quản lý theo cấp và những người kinh doanh như chị. Người mới nhận việc được học các cách thức nhập lệnh, nạp tiền, rút tiền… để làm sao được lợi nhuận cao nhất. Theo chị M., nếu đầu tư 100.000 đồng nhập lệnh 3 lần thì rút được lãi 20%. Cứ vậy tăng dần khoản đầu tư lên 1 triệu đồng. Sau đó, quản lý nhóm nói công ty chuẩn bị tri ân nhà đầu tư nên kêu gọi các thành viên đầu tư 10 triệu đồng để hưởng lãi 5 triệu đồng, 100 triệu đồng nhận 180 triệu đồng… Song song đó là màn tung hứng, chuyển, rút hàng trăm triệu đồng của các thành viên trong nhóm khiến chị M. đứng ngồi không yên.
Thế là chị gom góp, vay mượn được hơn 100 triệu đồng đầu tư để hưởng lợi nhiều. Chị làm đúng như hướng dẫn nhưng máy báo lỗi, được sự hỗ trợ của nhóm nên giao dịch thành công. “Sau đó máy báo tôi trúng thưởng 555 triệu đồng nên cần làm thêm 2 lệnh đầu tư – mỗi lệnh 100 triệu đồng để đủ điều kiện nhận tiền thưởng và lãi đầu tư. Lúc này tôi cảnh giác không làm theo nên không bị lừa” – chị M. nói. Sự việc diễn ra từ trước Tết nhưng đến nay chị M. không thể liên lạc được với quản lý và chị cũng bị cho ra khỏi nhóm trên Telegram.
Đề cao cảnh giác
Luật sư Dương Lê Ước An, Chủ tịch Công ty Luật hợp danh Đại An Phát (TP Hà Nội), cho hay hành vi lợi dụng lòng tin, mong muốn tìm được việc làm của người lao động và để người lao động chuyển tiền vào tài khoản của mình sau đó biến mất là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đây là hành vi gây nguy hiểm xã hội, bởi hành vi này thực hiện một cách cố ý là tìm kiếm đối tượng, tạo niềm tin để lừa đảo.
Theo luật sư An, hành vi đăng tải những thông tin tuyển dụng sai sự thật trên mạng xã hội cũng là hành vi vi phạm pháp luật vì gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào mức độ, tính chất sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang cho người dân… sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Trưởng Văn phòng Luật sư Đắc Nhân Tâm (Đoàn Luật sư TP HCM), cho biết những đặc điểm chung dễ nhận thấy ở các hành vi lừa đảo việc làm qua mạng xã hội đó là công việc đơn giản, dễ thực hiện; lãi suất, hoa hồng cao để dụ dỗ, lôi kéo người tìm việc sập bẫy.
Theo luật sư Tâm, hiện ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo việc làm để chiếm đoạt tài sản với những thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Số tiền chiếm đoạt từ lớn tới rất lớn với rất nhiều nạn nhân. Do tính “không biên giới, không khoảng cách” trên không gian mạng nên gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, phòng ngừa, bắt giữ, xử lý.
“Tuyệt đối không giao dịch tiền bạc, đầu tư chung, san sẻ cơ hội việc làm với người lạ. Cảnh giác với lợi ích trên trời rơi xuống, không hề có việc nhẹ lương cao, làm giàu qua đêm, gửi tiền cho mình xài hay trúng thưởng bất ngờ… Cẩn trọng với các nhóm kín trên Facebook, Zalo, nhất là Telegram, vì có thể xóa thông tin từ cả hai đầu” – luật sư Tâm khuyến cáo.
Tùy theo mức độ hành vi sẽ có các mức xử phạt khác nhau. Nếu lừa trên 2 triệu đồng thì người thực hiện hành vi lừa đảo sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tùy theo tính chất, mức phạt cao nhất của tội này có thể lên tới 20 năm hoặc tù chung thân” – luật sư An nói.