Cẩn trọng nhảy việc sau Tết

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết theo điều 40 Bộ Luật Lao động 2019, nếu tự ý nghỉ ngang người lao động sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường cho công ty các khoản: Nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động; Một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng trong những ngày không báo trước (chỉ áp dụng với trường hợp vi phạm thời hạn báo trước); Hoàn trả chi phí đào tạo (áp dụng với trường hợp người lao động được đi học nghề, đào tạo nghề từ kinh phí của người sử dụng lao động).

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 điều 35 Bộ Luật Lao động 2019, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước nếu có một trong các lý do sau: Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận (trừ trường hợp chuyển làm công việc khác so với hợp đồng); Không được trả lương đầy đủ hoặc trả nhưng không đúng hạn (trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng người sử dụng không thể trả lương đúng hạn); Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc vì công việc đang làm có ảnh hưởng xấu tới thai nhi; Đủ tuổi nghỉ hưu (trừ trường hợp có thỏa thuận khác); Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực về công việc làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng

“Tuy nhiên, không có các lý do nêu trên mà muốn nhảy việc trước khi hết hạn hợp đồng, người lao động thực hiện thủ tục báo trước cho người sử dụng lao động biết. Theo khoản 1, điều 35 Bộ luật này đã quy định cụ thể thời hạn báo trước đối với từng loại hợp đồng: Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn; Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng; Ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng; Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ” – luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý nói.

Còn về hình thức báo trước, theo luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, hiện pháp luật không quy định cụ thể về vấn đề này nhưng để có bằng chứng chứng minh đã báo trước theo đúng thời hạn luật định, người lao động nên viết đơn hoặc email để thông báo trước về việc nghỉ làm và xin xác nhận của người quản lý hoặc bộ phận phụ trách.

Cẩn trọng nhảy việc sau Tết - Ảnh 1.

Làn sóng luân chuyển công việc sau Tết sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp lẫn người lao động (Ảnh minh họa)

Nói về thực trạng nhảy việc sau Tết, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet), nhìn nhận làn sóng luân chuyển công việc sau Tết của nhóm lao động cấp trung và cấp cao là rất cao. “Đây là thời điểm các doanh nghiệp vạch ra chiến lược và định hướng cho năm mới với những thay đổi khác nhau, dẫn tới nhóm lao động này có thể cảm thấy không phù hợp với chiến lược mới và nhảy việc, nhất là khi họ đã kết thúc những mục tiêu ngắn/trung và dài hạn tại doanh nghiệp” – bà Trinh Nói

Làn sóng này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp lẫn người lao động. Theo bà Trinh, đối với doanh nghiệp, nhiều vị trí đang được chi trả rất cao so với phạm vi và trách nhiệm công việc thực tế (để doanh nghiệp có thể tuyển được người), tạo ra bức tranh lương thưởng thiếu cân bằng, chênh lệch cao trong cùng ngành nghề và cũng gây nên gánh nặng chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.

“Còn với người lao động, nhảy việc liên tục hoặc thay đổi công việc dưới 2 năm đối với nhóm lao động cấp trung và cấp cao cũng sẽ hạn chế một phần cơ hội nghề nghiệp trong tương lai, cũng như ảnh hưởng đến sự tin tưởng từ tổ chức và nhân viên cấp dưới” – bà Trinh thông tin.