Cách nào ngăn làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần?

Chuyên gia cho rằng cần thiết kế lại điều kiện hưởng, tính lại mức hưởng lương hưu, thêm trợ cấp cho trẻ em để hạn chế làn sóng lao động rút bảo hiểm xã hội.

Tổng kết 10 năm thực hiện chính sách an sinh (2012-2022), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng từ 10,2 triệu lên 16,6 triệu cuối năm 2021. Số lao động tham gia thêm khoảng 6,4 triệu, chiếm khoảng 33% lực lượng trong độ tuổi, vẫn là mức thấp.

Song thống kê bình quân giai đoạn này mỗi năm hơn 700.000 người rút BHXH một lần, đồng nghĩa với hai người tham gia vào hệ thống thì một người rời đi. Ảnh hưởng của đại dịch, riêng ba tháng đầu năm 2022 đã có gần 209.000 người chọn rời quỹ hưu trí. Người rút gia tăng qua từng năm tạo thành xu hướng, gây áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi theo hướng khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận một lần.

3,7 triệu lao động chọn hưởng BHXH một lần trong 5 năm

3,7 triệu lao động chọn hưởng BHXH một lần trong 5 năm

Giai đoạn 2016-2020, khoảng 3,7 triệu lao động rút BHXH một lần. Video: Tạ Lư

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, nhận định số lao động rút BHXH một lần gia tăng phần lớn do tác động của đại dịch trong ba năm qua. Nhà nước có nhiều gói an sinh xã hội nhưng chưa giải quyết được hết khó khăn cho người lao động buộc họ phải rút khoản đó ra để tiêu dùng. Trong khi đó, điều kiện cho rút BHXH một lần đang quá dễ dàng và cần xem xét trong luật sửa đổi.

Mức đóng 22% vào Quỹ Bảo hiểm xã hội hàng tháng gồm người lao động đóng 8% và doanh nghiệp 14%. Ông Lợi cho rằng nên sửa đổi theo hướng mở cho lao động có nhu cầu nhận 8%; phần 14% “chốt sổ” coi như khoản tiết kiệm. Khi người lao động vượt qua khó khăn, tìm được việc làm, quay lại đóng BHXH thì được cộng tiếp hoặc khi đủ tuổi nghỉ hưu thì được thanh toán. Phần 14% giữ lại phải công khai với người lao động, ví dụ bằng cách thông báo hàng năm.

Luật hiện hành cũng cho phép người lao động chưa đến tuổi về hưu sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH được nhận một lần nếu muốn. Ông Lợi khuyến nghị cần nâng thời gian điều kiện, thay vì một lên 2-3 năm. Nhưng trong vòng một năm này cần có chính sách làm giá đỡ cho người lao động vượt qua khó khăn, đặc biệt là khoản trợ cấp thất nghiệp. Cơ quan chuyên môn nên tính tới việc nới điều kiện hưởng và nâng mức tiền trợ cấp bởi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn kết dư lớn.

Chuyên gia này cũng cho rằng dự tính giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm, song mức hưởng phải tính toán hợp lý để người lao động đủ sống. Chính phủ cũng cần có thêm các gói an sinh, gói tín dụng lãi suất, thậm chí mức 0% để hỗ trợ lao động vượt qua giai đoạn khó khăn sau nghỉ việc thì họ mới không tính tới rút BHXH một lần.

Người lao động la liệt trước cổng Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) chờ làm thủ tục rút bảo hiểm một lần, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn

Người lao động la liệt trước cổng Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức (TP HCM) chờ làm thủ tục rút bảo hiểm một lần, tháng 4/2022. Ảnh: Đình Văn

Chung quan điểm, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng tình phương án giảm năm đóng BHXH để lao động sớm được hưởng lương hưu, tránh đợi quá lâu mà chọn về một cục. Song nhà nước cần thiết kế lại cách tính hưởng lương hưu bởi hưu trí đang nặng về đóng – hưởng mà thiếu sẻ chia giữa các nhóm lao động. Thực trạng nhiều công nhân trực tiếp sản xuất khi về già nhận lương hưu không đủ sống, thậm chí thấp hơn cả lương cơ sở khiến họ không mấy mặn mà chờ hưu trí.

“Việc lao động dễ dàng rời đi còn vì một phần thiếu niềm tin vào hệ thống”, ông Quảng nói, nhấn mạnh nhiều chính sách an sinh, BHXH đang bộc lộ bất cập.

Đại diện Công đoàn cho rằng thay vì siết điều kiện hưởng, cần tìm cách tăng thu nhập cho lao động để họ sống được bằng tiền lương, khi xảy ra biến cố còn có khoản tích lũy để ứng phó. Người lao động khi gặp rủi ro thì khó tiếp cận chính sách tín dụng vì không có tài sản thế chấp. Nếu có những gói vay ưu đãi, thêm chính sách tạo việc làm bền vững, thu nhập ổn định thì họ không bao giờ nghĩ đến chuyện nhận BHXH một lần.

Ông Andre Gama, chuyên gia ILO tại Việt Nam, chỉ ra thực tế số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp dù đã đạt 13,5 triệu song vẫn thấp. Hậu quả là phần lớn lao động không có bất kỳ sự bảo vệ thu nhập nào nếu mất việc làm nên họ chọn rút BHXH một lần để đảm bảo an toàn thu nhập ngắn hạn khi nghỉ việc. Đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam cũng khiến hầu hết người lao động khó tích lũy được 20 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu 45%.

Làn sóng rút BHXH một lần “đặc biệt đáng lo ngại” khi phần lớn người rút là lao động nữ. Khoảng 69% các trường hợp rút năm 2019 là nữ dưới 35 tuổi. Chị em dùng khoản tiền này để giải quyết nhu cầu cấp thiết về an sinh như tiêu dùng hoặc làm nguồn kinh phí nuôi dạy con trẻ. “Việt Nam có thể cân nhắc triển khai trợ cấp trẻ em để giảm áp lực tài chính cho người lao động, đặc biệt lao động nữ đang nuôi con nhỏ”, ông khuyến nghị.

Nghiên cứu của ILO chỉ ra, việc đóng BHXH khiến mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình lao động giảm trung bình khoảng 8,2%. Nếu có thêm chế độ trợ cấp trẻ em đa tầng, gồm tầng một dành cho nhóm chưa đủ khả năng đóng BHXH, trích từ ngân sách nhà nước; và tầng hai với mức trợ cấp cao hơn dành cho nhóm đóng BHXH có thể giảm đáng kể gánh nặng trên.

Người lao động xếp hàng làm hồ sơ hưởng trợ cắp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Người lao động xếp hàng làm hồ sơ hưởng trợ cắp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, tháng 6/2020. Ảnh: Ngọc Thành

Nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Doãn Mậu Diệp – người từng trực tiếp đối thoại với công nhân phía Nam vào năm 2014, nhắc lại câu chuyện lao động từng đình công phản đối việc siết hưởng BHXH một lần. Chính sách có hấp dẫn hay không tùy thuộc vào lợi ích mang lại và cơ quan chuyên môn khi thiết kế chính sách cần cho lao động thấy rõ điều này. “Xây dựng chính sách về BHXH cần thận trọng, trông trước, trông sau, tránh đưa vào rồi lại phải thay đổi liên tục”, ông nói.

Năm 2015, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (hiệu lực từ 1/1/2016), điều 60 quy định theo hướng người lao động không được hưởng BHXH một lần sau nghỉ việc mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm và cộng dồn số năm đóng nếu người đó tiếp tục đi làm trong doanh nghiệp có đóng BHXH bắt buộc. Song quy định được coi là “bước tiến” khuyến khích lao động ở lại với lưới an sinh này đã khiến nhiều công nhân, ngừng việc tập thể để phản đối.

Chính phủ sau đó kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định theo hướng để người lao động tự chọn hưởng BHXH một lần, hoặc bảo lưu để đóng tiếp nếu có điều kiện. Việc sửa hay không điều 60 đã gây nên cuộc tranh luận gay gắt giữa các đại biểu trên nghị trường. Quốc hội phát phiếu lấy ý kiến, trên 87% đại biểu đồng tình với chủ trương để người lao động được nhận BHXH một lần nếu có nhu cầu.

Cả nước có hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng. Trong đó, 2,6 triệu người hưởng lương hưu; 640.000 người hưởng trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 1,7 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Còn hơn 9 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác. Đây là hệ quả của việc lao động trong độ tuổi tham gia BHXH thấp.

Hồng Chiêu