Bi kịch phía sau dòng ngoại tệ

Thoát chết sau lần ngã trong hầm lạnh tàu cá ở vùng biển Suriname, 20 năm qua anh Nguyễn Văn Dương phải gắn bó với chiếc xe lăn.

Anh Dương, trú xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, làm nghề đi biển, nhưng không đủ nuôi vợ và hai con nhỏ. Cuối năm 2001, ông bố 25 tuổi vay mượn họ hàng và cả ngân hàng được 30 triệu đồng, tương đương với 6 cây vàng, để đi xuất khẩu lao động với mong muốn thoát nghèo.

Theo hợp đồng 3 năm, anh Dương làm thuyền viên cho một tàu cá Hàn Quốc, chuyên đánh bắt hải sản trên nhiều vùng biển thế giới, lương mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng tiền Việt. Mỗi chuyến đi biển kéo dài vài chục ngày. Những tháng đầu, anh tích góp một phần tiền lương gửi về quê cho vợ trả nợ.

Tai họa ập đến giữa năm 2002, khi anh đang đánh bắt cá ngừ trên vùng biển Suriname, khu vực Nam Mỹ. Trong lúc làm việc tại hầm lạnh tàu cá, anh bị máy tời va trúng khiến ngã ngửa ra sau, gáy đập vào song sắt. “Lúc đó tôi thấy tê liệt, người mềm như sợi bún, chỉ ú ớ vài tiếng song không ai nghe thấy”, anh kể.

Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện, tỉnh dậy anh bật khóc khi nghe thông báo bị gãy cổ. Anh được thanh lý hợp đồng, hỗ trợ 140 triệu đồng và đưa về Việt Nam. Điều trị tại TP HCM 10 tháng, anh trở về quê với tình trạng liệt toàn thân.

Anh Nguyễn Văn Dương kể lại lần gặp nạn trong khoang tàu cá khi đi xuất khẩu lao động năm 2002. Ảnh: Đức Hùng

Anh Nguyễn Văn Dương kể lại lần gặp nạn trong khoang tàu cá khi đi xuất khẩu lao động năm 2002. Ảnh: Đức Hùng

10 năm đầu, anh Dương nằm một chỗ, ngủ phải có người túc trực để 30 phút hỗ trợ xoay trở một lần. Khoản đền bù 140 triệu đồng sau một năm đã hết vì lo thuốc thang và trả nợ. Nhiều đêm nằm khóc, anh muốn “chết quách cho xong”. Từ chỗ cao 1,7 m, nặng 70 kg, có thể làm mọi việc nặng nhọc, anh không cầm nổi đôi đũa. Căn nhà lụp xụp bố mẹ để lại 20 năm nay hư hỏng chưa có tiền sửa. Cuộc sống gia đình trông chờ vào quán bán đồ ăn sáng của vợ.

Vài năm gần đây, hàng ngày anh Dương thức dậy lúc 5h đi xe lăn, tập cử động hai tay, gần như tự lo được sinh hoạt cá nhân. “Dù hiểu đen ai nấy chịu, song vẫn tiếc, giá như mình gặp nạn lúc 50 tuổi, thay vì 26. Tôi hay chắp tay lên đầu, cầu mong một phép màu để chân có thể đi lại”, anh Dương nói.

Tình trạng lao động xuất khẩu gặp tai nạn, mất mạng từng ghi nhận ở một số thị trường, nhất là giai đoạn 2000-2007 khi Việt Nam đưa hàng trăm nghìn người đến Malaysia. Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, riêng năm 2007 có 107 lao động tại Malaysia tử vong, nguyên nhân được cho là môi trường, khí hậu, công việc… chưa phù hợp với lao động Việt Nam. Việc khám sức khỏe trước khi đi quá đơn giản.

Gần đây không có công bố chính thức về số lao động xuất khẩu gặp tai nạn. Thống kê sơ bộ tại Hà Tĩnh 9 tháng đầu năm 2019 có 10 lao động xa xứ tử vong do ngã xuống biển, cháy tàu cá, gặp hỏa hoạn tại khu công nghiệp… Đa số gia đình bế tắc, không có tiền đưa thi thể con về nước.

Một người Việt đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Đài Loan hồi cuối tháng 8. Lao động xa xứ thường làm trong môi trường có độ rủi ro cao. Ảnh: Đức Hùng

Một người Việt đang làm việc tại một công trường xây dựng ở Đài Loan hồi cuối tháng 8. Lao động xa xứ thường làm trong môi trường có độ rủi ro cao. Ảnh: Đức Hùng

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 100.000 lao động đi làm việc ở 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; gửi về 3-4 tỷ USD. Nhiều tỉnh giảm gánh nặng giải quyết việc làm, như Hà Tĩnh năm 2019 có hơn 67.000 người làm việc ở nước ngoài, gửi về khoảng 200 triệu USD; Nghệ An hiện có 60.000 người, gửi về 500-550 triệu USD…

Nhiều gia đình, ngôi làng trở nên sung túc, nhưng cũng phải đối mặt với không ít vấn đề. Sau chuyến làm việc ở Hàn Quốc về năm 2018, chị Thảo, 42 tuổi, trú xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, phải một mình nuôi hai con. Sang Hàn Quốc cuối năm 2015, chị làm việc trong một công ty lắp ráp linh kiện điện tử, lương tháng hơn 30 triệu đồng. Hàng tháng chị gửi hơn một nửa về để chồng trả nợ phí xuất ngoại, nuôi các con ăn học.

Hết hợp đồng trở về quê, chị sốc khi tiền gửi về chồng không tích góp được đồng nào, chỉ trả hết nợ vay lúc khi đi. Gặng hỏi thì chồng thừa nhận vướng vào lô đề, cờ bạc nên tiêu hết tiền, không gửi ngân hàng như lời vợ dặn. “Vợ chồng đường ai nấy đi sau mâu thuẫn suốt nhiều tháng. Tôi quyết định nuôi hai con, vì sợ chúng khổ. Giá của chuyến xuất ngoại quả thực quá đắt”, chị nói.

Bà Nguyễn Việt Hà, cán bộ lao động thương binh và xã hội xã Cương Gián, cho biết bên cạnh dòng ngoại tệ mỗi năm hơn 500 tỷ đồng của gần 2.700 lao động xa xứ gửi về, xã đang đối mặt với vấn đề tỷ lệ ly hôn cao. Thống kê sơ bộ, trong chục năm qua, gần 200 cặp vợ chồng trong xã từng có người xuất ngoại, khi về nước đã mâu thuẫn với nửa kia, rồi đưa nhau ra tòa.

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, nơi có nhiều nhà cao tầng, biệt thự khang trang nhờ tiền của người đi xuất khẩu lao động gủi về. Ảnh: Đức Hùng

Xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, nơi có nhiều nhà cao tầng, biệt thự khang trang nhờ tiền của người đi xuất khẩu lao động gửi về. Ảnh: Đức Hùng

Huyện Nghi Xuân, nơi có hơn 14.500 lao động xuất ngoại, nhiều nhất Hà Tĩnh, cũng ghi nhận nhiều trường hợp ly hôn. Hai năm qua, TAND huyện thụ lý 15 vụ án hôn nhân đổ vỡ liên quan đến người đi làm việc ngoài nước. Cán bộ tòa cho hay thực tế còn nhiều hơn song nhiều cặp không muốn nêu lý do trong hồ sơ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, một trong số đó là vợ hoặc chồng đi làm việc ở nước ngoài. Xa cách lâu ngày, tình cảm vợ chồng rạn nứt, nhiều người không giữ được mình. Nhiều gia đình trước đây tằn tiện không đủ ăn, nay chồng hoặc vợ đều đặn gửi về mỗi tháng 10-20 triệu đồng. “Đây là số tiền lớn với một gia đình ở quê, nhưng do không có kinh nghiệm quản lý tiền bạc, nhiều người sa vào cám dỗ, tệ nạn xã hội”, một thẩm phán TAND huyện Nghi Xuân nói.

Ngoài án dân sự, TAND huyện Nghi Xuân cũng ghi nhận 5 vụ án hình sự trong hai năm qua, liên quan đến trẻ vị thành niên thiếu sự quản lý của bố mẹ do một trong hai người đi làm việc xa xứ. Điển hình là vụ án Giết người, xét xử cuối tháng 6.

Có mặt tại tòa với tư cách người giám hộ cho cháu 14 tuổi, bà Năm, 62 tuổi, trú xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, nói ân hận vì để cháu chơi bời, gián tiếp gây ra cái chết cho một thanh niên. “Tôi nuôi cháu từ lúc 10 tuổi để vợ chồng con trai đi làm việc ở Hàn Quốc. Ông bà không biết dạy cháu học, cũng không thể quản lý giờ giấc, cháu đến trường hay đi chơi game không hay biết”, bà Năm nói.

Liên quan vụ án còn có 6 trẻ vị thành niên tuổi 13-17, trú xã Xuân Liên và Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân. Lãnh đạo xã Xuân Liên chia sẻ, vụ này các em đều có bố mẹ đi xuất khẩu lao động, gửi con nhờ ông bà nuôi. “Người dân gửi tiền về xây nhà cao cửa rộng, sắm sửa tiện nghi, điều kiện vật chất dư thừa nhưng con cái lại thiếu hụt tình cảm. Trẻ vị thành niên tâm lý chưa ổn định, ông bà không thể dạy bảo chu đáo, dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp”, lãnh đạo xã nói.

Lãnh đạo xã Xuân Liên cho biết thêm, toàn xã có hơn 7.000 người, trong đó hơn 1.500 người đi xuất khẩu lao động – nhiều thứ hai huyện Nghi Xuân, sau Cương Gián. Người dân làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…, ngoại tệ gửi về hàng năm khoảng 140 tỷ đồng.

*Tên một số nhân vật đã thay đổi.

Đức Hùng