Bấp bênh lao động lớn tuổi

Đầu tháng 11-2022, khi Công ty TNHH May Sun Kyoung Việt Nam (quận 12, TP HCM) ngừng hoạt động vì gặp khó khăn về đơn hàng, các cơ quan chức năng địa phương chủ động kết nối với nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để giới thiệu việc làm mới cho công nhân (CN) mất việc. Trong khi nhiều đồng nghiệp được tuyển dụng thì chị Phạm Thị Hằng vẫn thất nghiệp. “Nhu cầu tuyển dụng khá phong phú nhưng các DN chủ yếu tuyển CN may trong khi tôi lại làm ở khâu cắt. Muốn ứng tuyển vị trí khác thì tuổi của tôi quá cao, không đáp ứng nhu cầu của DN”- chị Hằng cho biết.

Khó xin việc

Gia cảnh khó khăn nên năm 15 tuổi, chị Hằng đã vào TP HCM xin làm CN. Gần 23 năm làm CN, dù thu nhập không cao nhưng cuộc sống chị cũng tạm ổn. Đột ngột mất việc ở tuổi 38, lại ngay thời điểm cận Tết khiến chị hoang mang. Cả tuần nay, chị chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm việc để có tiền chi tiêu dịp Tết nhưng vô vọng.

Gắn bó với Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) từ năm 2004, chị Võ Thị Phượng (44 tuổi, quê Trà Vinh) cứ nghĩ mình sẽ làm ở đây cho đến khi nghỉ hưu. Do vậy, khi công ty thông báo cắt giảm lao động do không có đơn hàng, chị Phượng và gần 1.200 CN khác rất sốc. Rơi vào cảnh thất nghiệp, một số đồng nghiệp dự tính về quê kiếm kế sinh nhai, còn chị Phượng vẫn quyết bám trụ ở thành phố để tìm công việc mới. Dò hỏi thông tin tuyển dụng ở một số nơi, chị Phượng hết sức thất vọng vì phần lớn các DN chỉ tuyển CN trẻ độ tuổi từ 18 đến 35. “Tôi có 18 năm kinh nghiệm nhưng do lớn tuổi nên DN từ chối. Trước mắt, tôi sẽ xin phụ việc tại các quán ăn hoặc giúp việc nhà để có thêm thu nhập” – chị Phượng chia sẻ.

Gần 1 tháng nay, chị Phạm Thị Tuyết Mai, CN Công ty TNHH F.T (TP Thủ Đức, TP HCM), sống trong tâm trạng hoang mang khi công ty đang rà soát, cắt giảm lao động lớn tuổi. Chị Mai cho biết thời gian đầu, công ty còn bố trí lao động lớn tuổi sang làm vệ sinh, tạp vụ, nhưng nay các vị trí đó đã đủ người. Do vậy, số CN thuộc diện cắt giảm lần này gần như hết cơ hội. “Tôi đã 52 tuổi, có 14 năm đóng BHXH, nay muốn làm việc đến khi đủ điều kiện nghỉ hưu cũng khó. Giờ chỉ còn biết làm được ngày nào hay ngày đó thôi” – chị Mai than thở.

Bấp bênh lao động lớn tuổi - Ảnh 1.

Do rào cản tuổi tác, một số công nhân trên 40 tuổi tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) rất khó tìm việc làm mới. Ảnh: HƯƠNG HUYỀN

Đủ cách xoay xở

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nhiều DN trên địa bàn vẫn đang gặp khó khăn về đơn hàng, dẫn đến thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động. Tính riêng trong tháng 10, toàn tỉnh có hơn 6.800 lao động đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp, trong đó lao động trên 40 tuổi khoảng 2.000 người.

Chị Nguyễn Thị Hương (52 tuổi, quê Quảng Bình) trước đây làm CN tại Công ty TNHH Kỹ nghệ gỗ Hoa Nét. Từ tháng 4, khi nhà máy của công ty tại thị xã Tân Uyên phải đóng cửa vì không có đơn hàng, chị Hương cùng nhiều CN khác bị mất việc. Từ đó đến nay, chị Hương vẫn chưa tìm được việc vì gần nhà chị ở ít có công ty nào tuyển dụng mới, nếu có thì hồ sơ của chị Hương cũng bị loại vì lớn tuổi. Chị Hương đã đóng BHXH đủ năm, mong muốn của chị là kiếm được công việc phù hợp chờ đến tuổi nghỉ hưu. “Trong thời gian tìm việc, tôi đi phụ rửa chén cho quán cơm gần nhà, việc thì không vất vả lắm nhưng thu nhập không bằng 1/2 lúc còn làm công ty cũ” – chị Hương thở dài.

Theo thông tin từ Sở LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai, từ quý II/2022 đến nay, do nhiều tác động từ kinh tế thế giới, nguồn nguyên vật liệu, hàng hóa của các DN bị ảnh hưởng. Một số DN phải sắp xếp lại lao động để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có 100 DN sử dụng 200.000 lao động bị sụt giảm đơn hàng, thiếu nguyên liệu do ảnh hưởng của thị trường thế giới khiến người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập. Dù đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp giữ chân NLĐ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng một số DN quá khó khăn đã phải cắt giảm khoảng 20.000 lao động. Các DN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành gỗ xuất khẩu, may, giày da…

Mới đây, biết mình nằm trong danh sách bị cắt giảm lao động, anh Nguyễn Văn Hùng (45 tuổi, quê Nghệ An), CN một công ty chế biến gỗ rất buồn. “Mất việc ở độ tuổi này thì rất khó tìm việc mới vì gần như các DN gỗ đều khó khăn. Trước mắt, tôi sẽ làm thủ tục xin hưởng trợ cấp thất nghiệp rồi tính tiếp” – anh Hùng cho biết.

Ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, dự báo tình trạng cắt giảm việc làm sẽ kéo dài ít nhất đến hết quý I/2023 vì liên quan chu kỳ sản xuất kinh doanh khi nhiều DN bị thu hẹp đơn hàng. “Lo nhất vẫn là lao động lớn tuổi bởi cơ hội tìm việc làm phù hợp với tay nghề rất ít trong khi các DN chỉ ưu tiên tuyển CN trẻ” – ông Toàn lưu ý.

Dễ tổn thương

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, bị mất việc ở độ tuổi không còn sung sức khiến lao động lớn tuổi dễ tổn thương. Không tìm được việc làm phù hợp trong lúc vẫn phải chi tiêu cho các nhu cầu thiết yếu hằng ngày khiến khó khăn với họ nhân lên gấp bội. Do chưa đủ điều kiện nghỉ hưu, trong khi vẫn phải trang trải chi phí sinh hoạt nên NLĐ chọn giải pháp nhận BHXH một lần. Việc tiêu xài dần các khoản tích lũy, kể cả trợ cấp BHXH sẽ khiến NLĐ dễ rơi vào bế tắc.

Kỳ tới: Hỗ trợ căn cơ, lâu dài