BẤP BÊNH CƠ HỘI VIỆC LÀM (*): Xa vời ước mơ an cư lạc nghiệp

Theo khảo sát của Tổ chức Di cư quốc tế và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 1.200 người lao động (NLĐ) tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, chi phí sinh hoạt gia tăng ở các khu đô thị và KCN cùng với các khoản nợ phải trả để bù đắp tổn thất tài chính trong thời gian phong tỏa vì dịch COVID-19 khiến hầu hết họ rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính. Vì vậy, NLĐ mong muốn được tăng lương, thưởng hằng năm, môi trường làm việc tốt, hỗ trợ nhà ở, có chỗ gửi trẻ an toàn…

Sống thấp thỏm

Tiếp xúc với nhiều công nhân (CN) ở trọ tại phường Linh Trung (TP Thủ Đức, TP HCM), chúng tôi nhận thấy cuộc sống của họ quá đơn điệu, nhàm chán. Bởi ngày nào cũng đi làm từ sáng sớm, tối về nấu ăn, xong mọi việc đã là 21-22 giờ. Chủ nhật, nếu không tăng ca, họ cũng ở nhà vừa đỡ tốn tiền vừa có thời gian nghỉ lấy sức để hôm sau đi làm tiếp. Ngay cả xem tivi, nghe nhạc, đọc báo, họ cũng không có thời gian.

Chị Lê Thị Yến, CN Công ty TNHH Danu Vina (KCX Linh Trung I, TP Thủ Đức), cho biết chị cùng 6 người bạn ở tỉnh Kiên Giang lên TP HCM làm CN từ năm 19 tuổi. “Điệp khúc” nhà trọ – nhà xưởng – nhà trọ như một vòng tuần hoàn khép kín, kéo dài từ năm này qua năm khác. Công việc cứ thế cuốn họ đi, đến khi giật mình nhìn lại thì đã 26 – 27 tuổi. Không thấy tương lai ở thành phố, 5/7 người đã về quê. “Cuộc sống CN thấy vậy chứ ngắn ngủi lắm, chớp mắt thấy mình đã già. Thu nhập chỉ đủ chi tiêu và gửi về quê giúp ba mẹ nên gần như tụi em không có tích lũy. Ước mơ an cư lạc nghiệp ở thành phố càng trở nên xa vời” – chị Yến bộc bạch.

Chị Đặng Ngọc Ánh (quê Hà Tĩnh) có 11 năm làm việc tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), cho biết những tháng qua, vợ chồng chị phải dè sẻn chi tiêu vì một tuần chỉ làm việc 4 ngày, thay vì 6-7 ngày như trước đây. Đồng lương CN ít ỏi khiến họ hết sức chật vật bởi mỗi tháng phải gửi tiền về quê cho con ăn học. “Chúng tôi mong sao hoạt động của công ty sớm ổn định, có thêm nhiều đơn hàng, xuất hàng đi thuận lợi để NLĐ có việc làm ổn định. Nếu tình hình này kéo dài, có khả năng vợ chồng tôi sẽ tính đến chuyện về quê để tìm việc. Ở quê sẽ không phải mất tiền thuê nhà trọ, chi phí ăn uống cũng không quá đắt đỏ như ở thành phố” – chị Ánh nói.

Qua khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam với hơn 2.016 CN đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN), 55,6% số CN cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống. Trong khi đó, 23,2% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ và 13,2% không đủ sống ở mức tối thiểu. Thu nhập không đủ sống, nay lại đối diện với nỗi lo mất việc khiến CN thêm lo lắng.

BẤP BÊNH CƠ HỘI VIỆC LÀM (*): Xa vời ước mơ an cư lạc nghiệp - Ảnh 1.

Con công nhân học tại Trường Mầm non Thanh Bình (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: HỒNG ĐÀO

Thiếu thốn trăm bề

Chị Cao Ngọc Hoa (quê Vĩnh Long), CN Công ty TNHH Organ Needle (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), tâm sự năm 2017 chị lập gia đình rồi sinh con và quyết định cùng chồng lên TP HCM lập nghiệp.

Anh chị thuê trọ ở quận 7 để gần chỗ làm. Nhưng do không có hộ khẩu ở thành phố nên khó xin được cho con vào học trường mẫu giáo công lập, còn gửi con ở trường tư thục thì chi phí quá cao. “Bấm bụng, hai vợ chồng đành gửi con cho hàng xóm ở gần chỗ trọ, dù biết rằng không an toàn” – chị Hoa nói. Ngoài nhu cầu gửi trẻ, CN còn mong muốn mua được nhà ở giá rẻ để an cư lạc nghiệp. Như vợ chồng anh Huỳnh Thanh Cương (35 tuổi, quê Sóc Trăng) lên TP HCM làm CN tại một công ty ở TP Thủ Đức được 15 năm nhưng vẫn đang ở trọ trong căn phòng 12 m2 cùng con gái. Thu nhập của hai vợ chồng từ 14-16 triệu đồng/tháng, vừa đủ trang trải cuộc sống. Anh Cương cho biết nếu được hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH), anh sẽ về quê vay mượn thêm để có thể an cư.

Tương tự, tại TP Đà Nẵng, anh Nguyễn Văn Thân – CN tại KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu – cũng đang ngóng NƠXH. Mỗi ngày sau tan ca, anh chạy Grab đến 24 giờ để kiếm thêm thu nhập, tích góp để chờ mua NƠXH cách KCN Hòa Khánh không xa. “Tôi đã nộp đơn, chờ được xét duyệt mua 1 căn NƠXH. Trước mắt, chỉ mong thoát khỏi kiếp ở trọ. Có nhà rồi mới mong có vợ con” – anh Thân bày tỏ.

Theo thống kê sơ bộ của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các KCN TP Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 477 DN với khoảng 70.000 lao động, trong đó có 27.000 lao động ngoại tỉnh. Phần lớn, họ đang thuê trọ gần các KCN để đi làm, điều kiện sống chưa bảo đảm về cơ sở vật chất lẫn hoạt động giải trí tinh thần.

Quá ít lựa chọn

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, giai đoạn 2016-2021, có khoảng 4,6 triệu người hưởng BHXH một lần. Trong đó, năm 2020 có 860.000 người, năm 2021 có 960.000 người, năm 2022 có 895.000 người. Các trường hợp rút BHXH một lần đều có thu nhập không ổn định, không có tích lũy nên khi gặp khó khăn phải rút BHXH một lần. Theo các chuyên gia lao động, tuổi nghề và tuổi hưu của lao động đang có khoảng cách lớn, đặc biệt trong các DN thâm dụng lao động (da giày, dệt may).

Kết quả khảo sát 1.200 lao động di cư ngành may mặc, da giày và điện tử tại TP HCM, Bình Dương và Đồng Nai của Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (SocialLife) cho thấy phần lớn lực lượng lao động trong các ngành này là lao động có kỹ năng thấp. “CN nữ tuổi từ 35-40 bị thu hẹp việc làm, phải chuyển nghề khó tìm việc mới để tiếp tục đóng BHXH. Một khi sử dụng hết các khoản tích lũy, trợ cấp, chắc chắn họ sẽ rơi vào khó khăn” – ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, nói.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3