BẤP BÊNH CƠ HỘI VIỆC LÀM (*): Lo sinh kế khi về già

Giữa tháng 3-2023, khi đến kỳ hạn nhận lương, gần 100 công nhân (CN) của một công ty may đóng trên địa bàn huyện Củ Chi, TP HCM tá hỏa khi phát hiện toàn bộ máy móc đã được dời đi nơi khác, giám đốc cũng biệt vô âm tín. Sau khi các cơ quan chức năng địa phương can thiệp, đại diện công ty mới thanh toán 50% lương tháng 2-2023 cho CN, phần còn lại hứa sẽ chi trả vào ngày 24-3.

Chấp nhận rủi ro

Anh Vũ Trường Giang, một CN, cho biết công ty chủ yếu sử dụng lao động thời vụ, không ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), không tham gia BHXH.

BẤP BÊNH CƠ HỘI VIỆC LÀM (*): Lo sinh kế khi về già - Ảnh 1.

Cuộc sống trước mắt còn khó khăn nên người lao động khó tiếp cận lương hưu khi về già

Người làm ở đây hầu hết là CN từng làm tại các doanh nghiệp (DN) lớn trên địa bàn huyện, bị cắt giảm do thiếu đơn hàng. Số lao động này đang hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và chờ hưởng BHXH một lần nên điều họ quan tâm chỉ là thu nhập, không cần HĐLĐ hay BHXH. Bản thân anh Giang có hơn 14 năm làm việc tại Công ty TNHH T.V. Tháng 9-2022, cùng với 1.000 CN khác, anh Giang bị mất việc do công ty không có đơn hàng.

Sau khi nghỉ việc, anh quyết định sau 1 năm nữa sẽ hưởng BHXH một lần. Anh Giang nhẩm tính với mức lương khi nghỉ việc hơn 14 triệu đồng/tháng, việc hưởng BHTN hay BHXH một lần sẽ có lợi hơn vì nếu tìm công việc mới sẽ khó đạt được mức lương này. Đó là lý do vì sao anh làm việc tại công ty trên mà không cần HĐLĐ. Khoản BHXH một lần nhận được anh Giang dự tính bù vào khoản mua nhà còn thiếu.

“Rút BHXH một lần có thể sẽ không được hưởng lương hưu nhưng bù lại tôi có căn nhà để lại cho con. Trong 1 năm chờ hưởng chế độ, chỉ có thể làm những công việc tạm bợ và rủi ro cao nhưng tôi chấp nhận” – anh Giang bộc bạch.

Việc làm ổn định và mới đóng BHXH được hơn 8 năm nhưng anh Lư Quốc Dũng, CN Công ty TNHH P.H (tỉnh Tây Ninh), cũng dự tính xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần. Trước đây, anh Dũng là lao động tự do, đến khi 33 tuổi mới xin làm CN và tham gia BHXH. Hiện anh làm ở khâu sản xuất đế giày, môi trường làm việc nhiều bụi, độc hại nên ít ai trụ được lâu dài.

Mới hơn 40 tuổi nhưng sức khỏe giảm sút, anh Dũng định ráng làm thêm vài năm nữa sẽ nghỉ việc, hưởng BHXH một lần tìm kế sinh nhai. Gần đây, nghe có thông tin sẽ giảm tỉ lệ hưởng BHXH một lần khi sửa đổi Luật BHXH, sợ không theo kịp sự thay đổi của chính sách nên anh và nhiều đồng nghịệp quyết định rút BHXH một lần.

Ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết để người lao động (NLĐ) cân nhắc giữa rút BHXH một lần hay bảo lưu để hưởng hưu, công ty đã đưa ra phép tính rất cụ thể đối với người có thâm niên làm việc 19 năm. Kết quả của phép tính ấy là số tiền hưởng BHXH một lần của NLĐ chỉ bằng tổng lương, thưởng của 1 năm đi làm. Bên cạnh đó, nếu tiếp tục làm việc và tham gia BHXH, NLĐ sẽ được hưởng lương hưu, BHYT suốt đời, không phụ thuộc con cái khi về già… Tuy nhiên, NLĐ vẫn chọn hưởng BHXH một lần. Nguyên nhân là do đời sống của họ quá khó khăn.

Khó tiếp cận lương hưu

Gần 54 tuổi, có hơn 12 năm đóng BHXH, bà Phạm Tuyết Mai, CN Công ty TNHH F.T (TP Thủ Đức, TP HCM), mong muốn được hưởng lương hưu khi đủ tuổi.

Mới đây, khi bị công ty cắt giảm, bà định dành dụm số tiền BHTN nhận được hằng tháng để tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho đủ 20 năm. Dự định là vậy nhưng vì lớn tuổi nên bà không tìm được việc làm mới. Không có thu nhập nào khác lại bệnh tật nên bà Mai đành sử dụng khoản trợ cấp thất nghiệp để sinh sống qua ngày. Không riêng bà Mai, rất nhiều NLĐ cũng muốn hưởng lương hưu khi về già nhưng không phải ai cũng có thể đủ điều kiện để được hưởng quyền lợi này.

Theo luật sư Trần Hữu Tín, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, các nhà làm luật lo lắng cho cuộc sống NLĐ khi về già, trong khi cuộc sống hiện tại của họ còn chưa thể gọi là bảo đảm an sinh. Hiện nay xu thế của DN là không sử dụng lao động lớn tuổi (trên 40 tuổi), nên ở giai đoạn 40 – 62 tuổi, NLĐ phải đối mặt nhiều khó khăn khi không tìm được việc làm mới, không thể tiếp tục tham gia BHXH nhưng chính sách lao động, BHXH hiện hành chưa có giải pháp nào khả thi hỗ trợ họ trong giai đoạn này.

Ở khoảng tuổi này, nếu NLĐ đã đóng BHXH đủ số năm để hưởng lương hưu nhưng không tham gia tiếp phải chờ nhiều năm sau mới đủ tuổi để hưởng. Trường hợp nếu NLĐ đủ điều kiện hưởng chế độ hưu sớm sẽ bị trừ tỉ lệ hưởng 2% cho mỗi năm hưởng sớm. Giả sử một lao động nam đóng BHXH đủ 20 năm, hưởng hưu sớm 5 năm so với tuổi vào năm 2023 chỉ được hưởng 35% bình quân lương hưu.

Thêm vào đó, mức lương tham gia BHXH của đa số NLĐ hiện nay chỉ bằng hay cao hơn lương tối thiểu vùng nên NLĐ sẽ không thể sống ổn từ khoản lương đó. “Cần phải tính toán đường dài, cụ thể là bảo đảm việc làm, thu nhập cho NLĐ lớn tuổi. Bên cạnh đó, cải thiện tiền lương đóng BHXH và khắc phục tình trạng nợ BHXH” – ông Tín góp ý.

Tại hội nghị góp ý sửa đổi Luật BHXH do LĐLĐ TP HCM tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đề nghị nên để NLĐ có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định, khi nghỉ việc có đủ 30 năm đóng BHXH trở lên đối với nữ, 35 năm đóng BHXH trở lên đối với nam được hưởng lương hưu khi có yêu cầu mà không bị giảm trừ tỉ lệ hưởng lương hưu. Việc điều chỉnh này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của chính sách hưu trí, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH sớm, duy trì đóng trong thời gian dài và cân nhắc không hưởng BHXH một lần.

Theo ông Mai Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM, Luật BHXH sửa đổi nên xem xét điều chỉnh theo hướng linh hoạt tuổi nghỉ hưu với NLĐ cho phù hợp từng khu vực (nhà nước, ngoài nhà nước), ngành nghề hoặc không quy định tuổi nghỉ hưu mà chỉ quy định số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu nhằm khắc phục các bất cập của chính sách, giữ chân NLĐ ở lại hệ thống BHXH.

(Còn tiếp)

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 21-3

Việc ít, thu nhập người lao động giảm sâu

Sáng 22-3, tại TP HCM, Tổng LĐLĐ Việt Nam khảo sát tình hình quan hệ lao động theo Đề án xây dựng quan hệ lao động giai đoạn 2023-2028 tại các tỉnh, thành phía Nam. Các đại biểu phản ánh thời gian gần đây, nhiều DN ngành gỗ, dệt may, da giày thiếu đơn hàng trầm trọng, NLĐ phải nghỉ làm luân phiên, thu nhập giảm sâu so với trước đây. Đa số NLĐ là dân nhập cư, phải ở nhà thuê, nuôi con nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn; nhiều trường hợp vì quá khó khăn đã vay tín dụng đen với lãi suất cao, lâm vào cảnh nợ nần. Băn khoăn khác của các đại biểu là nhiều chính sách hỗ trợ NLĐ khó khăn rất nhân văn song lại khó thực hiện, không có người thụ hưởng hoặc rất ít.

Các đại biểu cũng đề xuất Đảng, Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có giải pháp hỗ trợ DN ổn định sản xuất, từ đó duy trì việc làm cho NLĐ. Các địa phương nên dành quỹ đất, kinh phí để xây dựng các thiết chế phục vụ CN và con CN.

N.Hà