Bàn phương án sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn
Sáng 31-10, tại Hà Nội, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo phương án sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn theo Quyết định số 73/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phát biểu. Ảnh: Hữu Phúc
Theo ông Vũ Hồng Quang, Phó trưởng ban Chính sách – Pháp luật (Tổng LĐLĐ Việt Nam), trước khi thực hiện sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo Phương án số 473/PA-TLĐ, số lượng đơn vị giáo dục nghề nghiệp của tổ chức Công đoàn gồm 28 đơn vị (3 trường cao đẳng, 17 trường trung cấp và 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm).
Cụ thể, sau khi thực hiện Phương án số 473/PA-TLĐ, hiện còn 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động (3 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và 3 trung tâm). Trong đó miền Bắc 6 cơ sở, miền Trung 6 cơ sở và miền Nam 7 cơ sở.
Trong thời gian tới, thực hiện các chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hệ thống Công đoàn sẽ tiếp tục sắp xếp còn 17 cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào năm 2025.
Các đại biểu dự Hội nghị đã bàn về các vấn đề như số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Ông Nguyễn Trọng Tấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, cho biết trường đang đào tạo những lớp chất lượng cao, theo đặt hàng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đầu tư cho đội ngũ giáo viên và trang thiết bị, cơ sở vật chất còn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Trọng Tấn, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh, phát biểu
Theo ông Tấn, vướng mắc lớn nhất của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên cơ hữu, nhân viên thực hiện theo hợp đồng lao động; một bộ phận cán bộ đào tạo, giáo viên chuyên môn còn chưa đáp ứng yêu cầu năng lực, chưa có tư tưởng gắn bó với đơn vị, nhiều nơi còn thiếu nhân lực. Bên cạnh đó, đề nghị cấp có thẩm quyền cần tháo gỡ vấn đề tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo định hướng, trong thời gian tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ hỗ trợ một phần ngân sách nhà nước để đầu tư bổ sung thiết bị đào tạo nghề, nhất là ngành nghề đáp ứng đào tạo ứng dụng và phát triển công nghệ mới gắn với đào tạo các lớp chất lượng cao theo các bộ chương trình nghề trọng điểm, đặt hàng với doanh nghiệp, từng bước đạt tiêu chí, tiêu chuẩn trường nghề chất lượng cao.
Từ đó, các trường nghề của công đoàn có năng lực cạnh tranh với các trường đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận, đồng thời tạo thương hiệu trường nghề Công đoàn Việt Nam đào tạo các thế hệ công nhân giỏi nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội và lực lượng giai cấp công nhân Việt Nam.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cùng lãnh đạo Ban Chính sách – Pháp luật chủ trì hội nghị
Trong giai đoạn 2023-2030, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho thí điểm đầu tư tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh sẽ trở thành trường trung tâm Vùng, chất lượng cao cấp quốc gia; trường Trung cấp nghề Thái Nguyên và Trung cấp Công nghệ số 8 Nam Định sẽ trở thành trường trung tâm vùng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng vai trò của tổ chức chính trị – xã hội như Công đoàn phải như “cánh tay nối dài” của Đảng và nhà nước, những vấn đề trong phạm vi thẩm quyền, phù hợp khuôn khổ pháp luật liên quan tới người lao động, đoàn viên cần xem xét giải quyết ngay.
Ông Hiểu cũng đề xuất nên có chính sách ưu đãi học phí cho con của những đoàn viên công đoàn để họ hiểu và cảm thấy ý nghĩa khi tham gia tổ chức. Từ những hành động đơn giản như vậy, người lao động, đoàn viên càng tin tưởng vào tổ chức Công đoàn và phát huy nhiệm vụ, ý nghĩa chính trị to lớn, sâu rộng của Công đoàn Việt Nam.
Tổng LĐLĐ Việt Nam dự tính chọn một số trường thí điểm tự chủ chi thường xuyên và một phần chi thường xuyên, được ưu tiên phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh đào tạo các nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, hoạt động dịch vụ, đầu tư thiết bị, bổ sung quỹ lương thu hút giáo viên chất lượng cao nhằm tạo đột phá và nhân rộng mô hình tự chủ gắn với phát triển.