2022, năm “bội thu” của xuất khẩu lao động
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 lao động, đạt 158,64% kế hoạch được giao, bằng 316,87% so với năm 2021. Trong đó, 3 thị trường tuyền thống là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc tiếp tục dẫn đầu số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam. Cụ thể, Nhật Bản tiếp nhận 67.295 lao động Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 58.598 lao động, Hàn Quốc tiếp nhận 9.968 lao động.
Nhiều thị trường ổn định, thu nhập cao
Đáng chú ý, năm qua, Singapore với nhiều thay đổi chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài đã chào đón 1.822 lao động Việt Nam. 910 lao động cũng được chọn sang Trung Quốc làm việc. Malaysia cũng tiếp nhận 399 lao động Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều lao động đã sang một số nước châu Âu làm việc bởi đây là thị trường có công việc ổn định, thu nhập cao. Trong đó, Hungary tiếp nhận 775 lao động Việt Nam, Roumani 721 lao động, Ba Lan 494 lao động, Liên bang Nga 467 lao động và một số thị trường khác.
142.779 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc trong năm 2022
Về công tác đàm phán, ký kết và triển khai các thỏa thuận quốc tế, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, hoàn thiện và trình Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ký bản ghi nhớ lần thứ 3 về hợp tác trong lĩnh vực lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Malaysia; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Úc; Bản ghi nhớ về hợp tác lao động với tỉnh Kanagawa (Nhật Bản); Bản ghi nhớ về Chương trình thực tập sinh kỹ năng với Tổ chức IM Japan; Bản ghi nhớ về Chương trình EPS với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc.
Trao đổi, đàm phán Thỏa thuận hợp tác lao động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Israel; Thỏa thuận về tuyển dụng lao động giữa Việt Nam và Thái Lan; Thỏa thuận giữa Việt Nam và Hungary về hợp tác đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hungary; Thỏa thuận về hợp tác lao động với Saudi Arabia; Bản ghi nhớ mới về hợp tác lao động với Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Điều dưỡng Việt Nam được nhiều nước như Nhật Bản, CHLB Đức…đẩy mạnh tuyển dụng
2022 cũng là năm chứng kiến kết quả kỷ lục của Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) – đơn vị được giao thực hiện các chương trình phái cử lao động theo hướng phi lợi nhuận. Trung tâm đã đưa 9.815 lao động đi làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Các chương trình phái cử phi lợi nhuận mà Trung tâm Lao động ngoài nước đang thực hiện rất hiệu quả, gồm: Chương trình đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc (chương trình EPS); Chương trình đưa thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản (IM Japan), Chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức (chương trình điều dưỡng viên Đức), Chương trình đưa hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản (EPA), Chương trình tuyển mộ trực tiếp lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).
Chương trình đưa điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức trong năm qua đã đạt được kết quả tốt
Bệ phóng cho năm 2023
Năm 2022, Ban Bí thư có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.
Đó là Chỉ thị số 20-CT/TW ký ngày 12-12-2022 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó nêu bật công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới phải gắn liền với việc quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới; nghiên cứu mở rộng thị trường lao động ngoài nước gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, pháp luật, văn hóa, phong tục tập quán của các nước cho người lao động; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn…
Sử dụng hợp lý nguồn lao động trở về nước đang được Chính phủ và các bộ ngành đặc biệt quan tâm
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết năm 2023 sẽ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đưa 110.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, tập trung khai thác các thị trường có thu nhập cao, ổn định tại châu Âu, Úc, Canada, Israel…
Lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang được Úc và Hàn Quốc đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam
Ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, khẳng định trong năm nay, đơn vị triển khai ngay việc phát triển thị trường mới, đàm phán, ký kết thỏa thuận quốc tế để người lao động đến nhiều nước có công việc phù hợp, việc làm ổn định dài lâu và được trả mức lương cao. Ngoài phái cử lao động có tay nghề, kỹ năng, cục còn tăng cường tạo nguồn, đào tạo và triển khai đồng bộ các chính sách, hoạt động hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời đẩy mạnh quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.