1/4 số thực tập sinh Nhật Bản trở về Việt Nam kiếm được việc làm

26,7% thực tập sinh Việt Nam từ Nhật Bản về nước có việc làm ngay, bằng một nửa so với Trung Quốc, Thái Lan, theo báo cáo của JICA.

Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa công bố Báo cáo nghiên cứu tổng thể thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam. Đến tháng 6/2021, khoảng 202.000 thực tập sinh kỹ thuật Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản, chiếm 63,8% số học viên quốc tế được đào tạo nghề tại quốc gia này.

Số học viên Việt Nam tăng nhanh ở nhiều lĩnh vực từ năm 2017 đến nay, cao nhất là ngành xây dựng (tăng 9 lần). Đây được coi là nguồn lao động cho các công ty FDI Nhật Bản, liên doanh Việt – Nhật, văn phòng đại diện Nhật Bản sau khi hoàn thành khóa chuyển giao kỹ năng.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, tỷ lệ thực tập sinh Việt Nam về nước tìm được việc làm thấp nhất, chỉ 26,7%. Trong khi con số này ở Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hơn 50%. Tỷ lệ thực tập sinh kỹ thuật của Việt Nam trở về làm công việc tương tự như ở Nhật Bản thấp. Nhiều người sử dụng kỹ năng tiếng Nhật để bán hàng, tư vấn xuất khẩu lao động, dạy ngoại ngữ…

“Đây là sự lãng phí kinh nghiệm của nguồn nhân lực; không đáp ứng mục đích ban đầu của chương trình là chuyển giao kỹ năng”, báo cáo đánh giá.

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật. Ảnh:Thái Đệ

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật. Ảnh: Thái Đệ

Khảo sát 341 doanh nghiệp Nhật Bản và hơn 40 nhà tuyển dụng cho thấy thực tập sinh Nhật Bản về Việt Nam khó tìm được việc vì kinh nghiệm làm việc không phù hợp; mong muốn mức lương cao và kỳ vọng lớn vào vị trí. Học viên trở về từ Nhật Bản chủ yếu làm việc trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin, nhưng ngoài khả năng tiếng Nhật thì kinh nghiệm làm việc trong quá khứ của họ không có nhiều giá trị khi quay về Việt Nam.

Theo chia sẻ của một số doanh nghiệp, người tham gia khóa chuyển giao kỹ năng thường chỉ có bằng cấp 3, hoặc cấp 2 nên trình độ tin học hạn chế. Do đó, họ dễ bị từ chối ở giai đoạn tuyển dụng; có người từ bỏ sau một thời gian thử việc hoặc phải học thêm các kỹ năng để bắt kịp đồng nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng phạm vi làm việc của thực tập sinh tại Nhật Bản khá hạn chế. Họ chỉ được trải nghiệm một loại máy có thể không được sử dụng tại Việt Nam. Điều này khiến học viên trở về không có ưu thế so với người lao động địa phương.

Ngoài ra, 47% công ty coi thu nhập là một rào cản lớn khi tuyển dụng người học tập từ Nhật trở về. Trước đó, thu nhập bình quân hàng tháng của họ khoảng 1.000-1.500 USD, cao gấp 3-4 lần mức thu nhập trung bình của công nhân mới vào nghề trong nước.

23% nhà tuyển dụng được hỏi cũng cho biết thiếu các kênh thông tin cần thiết để tuyển dụng được nguồn lao động là thực tập sinh trở về từ Nhật. Chủ yếu doanh nghiệp tình cờ tuyển dụng được khi học viên xin việc hoặc được giới thiệu bởi trụ sở chính và công ty đối tác.

Theo một công ty cung ứng lao động, nhiều thực tập sinh gặp khó khăn khi tìm việc do thiếu kỹ năng mềm. Vì vậy, công ty này đang phát triển sáng kiến chương trình học trực tuyến mà người học nghề có thể trau dồi ngay khi làm việc tại Nhật Bản, bao gồm tin học văn phòng, tiếng Nhật thương mại; kỹ năng quản lý…

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cũng đang phối hợp với JICA thực hiện dự án hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho thực tập sinh kỹ năng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự án cung cấp cho người lao động trở về cơ hội tiếp cận các công việc còn trống và thông tin tuyển dụng từ doanh nghiệp.

Thực tập sinh kỹ năng là chương trình của Chính phủ Nhật Bản đưa ra với mục đích đào tạo lao động cho các nước đang phát triển về mặt kỹ thuật, công nghệ cũng như kiến thức về ngành nghề mà lao động đó làm việc. Mỗi khóa đào tạo không quá 5 năm, mục đích là chuyển giao kỹ thuật thông qua các lao động đang làm việc tại Nhật Bản để sau khi về nước sẽ là nguồn nhân lực có trình độ cao trong ngành nghề được đào tạo.

Tại Việt Nam, chương trình thực tập sinh kỹ năng được biết đến với tên gọi xuất khẩu lao động, được nhiều người trẻ lựa chọn tham gia.

Sơn Hà