Quản trị nhân sự cần thay đổi
Nhân sự luôn là câu chuyện trung tâm của mọi doanh nghiệp (DN), tổ chức. Người làm công tác nhân sự đóng vai trò thiết yếu trong việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho tổ chức. Để làm tốt nhiệm vụ đó, họ cần vượt qua góc nhìn quản trị nội bộ để có tầm nhìn xa hơn về những xu hướng mới.
Tối ưu hóa nguồn nhân lực
Bà Lê Thị Thanh Tuyền, chuyên gia tư vấn – đào tạo về quản trị nguồn nhân lực của Học viện Quản lý PACE (quận 1, TP HCM), cho biết xu hướng nhân sự hằng năm không chỉ lực lượng làm nhân sự quan tâm mà còn có cả ban lãnh đạo DN.
Những người làm công tác nhân sự ngày càng thích ứng với các thay đổi của thị trường lao động
Có 2 khuynh hướng lý giải cho tầm quan trọng này. Thứ nhất, nếu DN không chủ động, nhìn đúng vai trò nhân sự thì khó đồng hành và thực thi chiến lược. Thứ hai, lãnh đạo đã hiểu vai trò của nhân sự là chiến lược thì cần chủ động quan tâm nhiều hơn đến xu hướng để lãnh đạo, điều hướng văn hóa hỗ trợ việc thực thi.
“DN dù có máy móc, công nghệ hiện đại đến mấy nhưng cũng không thể thiếu người lao động. Vì thế, hiện rất nhiều DN nỗ lực thu hút ứng viên tài năng đến với mình, chấp nhận tăng lương để giữ chân nhân tài, thực hiện nhiều chính sách phát triển ứng viên tiềm năng trong nội bộ” – bà Thanh Tuyền nói.
Thị trường lao động – việc làm năm 2023 đang phải giải quyết các bài toán từ trước đến nay chưa bao giờ diễn ra. Theo bà Thanh Tuyền, đánh giá như vậy để thấy người làm nhân sự trong thời gian qua và thời gian tới đối mặt thử thách lớn. Từ năm nay trở đi, DN có xu hướng sẽ không vội vàng tuyển dụng lao động từ bên ngoài mà sẽ tuyển dụng từ bên trong, chuyển đổi công việc từ nhân sự nội bộ để tối ưu hóa nguồn lực.
Nhiều chuyên gia tại hội thảo “Xu hướng nhân sự năm 2024: Cơ hội và thách thức” vừa tổ chức tại TP HCM, cho rằng giai đoạn 2023 – 2024 là thời điểm nhiều biến động, trong đó 2023 là năm nhiều khó khăn nhưng là bản lề mở ra cánh cửa đổi mới xu hướng nhân sự năm 2024. Vì vậy, người làm nhân sự cần lưu ý khi lập chiến lược nhân sự và tư vấn về kinh doanh cho DN cần gắn liền với 3 xu hướng: chuyển đổi số, đổi mới và cá nhân hóa.
Trong đó, chuyển đổi số đã và đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Đổi mới sẽ nằm ở sự thay đổi cơ cấu, tập trung vào các ngành cơ bản – giáo dục, y tế và năng lượng. Cuối cùng là cá nhân hóa, thể hiện qua việc đi sâu vào giải quyết các vấn đề cá nhân, niềm tin để hiểu và quản lý đội ngũ nhân viên hiệu quả hơn.
Khai phá, bồi dưỡng nhân tài
Bà Lê Hồng Minh, Chủ tịch Công ty CP i.Value (quận Bình Thạnh, TP HCM), đã mang tới hội thảo một mô hình quản trị chiến lược mới có tên gọi “Agility Innovation” (Đổi mới nhanh). Đây là mô hình giúp DN thích ứng tốt với xu hướng nhân sự năm 2024.
Theo đó, quản lý nhân sự không còn là câu chuyện của riêng phòng nhân sự mà trở thành nhiệm vụ của toàn DN. Mô hình này đòi hỏi người quản trị thực hiện đồng bộ các bước từ quản lý con người, cơ cấu tổ chức cho tới tình hình hoạt động của DN. Các bước quản lý, cải tiến này cần thực hiện cùng lúc nhằm bảo đảm tính linh hoạt, cho phép thay đổi khi phát sinh những tình huống cần sự phản ứng nhanh.
Bà Minh phân tích thách thức về quản trị nhân sự trong giai đoạn này là làm sao dung hòa được mối quan hệ giữa expert (chuyên gia và tư vấn thuê ngoài), team (đội ngũ nội bộ) và human resource (nguồn nhân lực mới cần tuyển và đào tạo). “Muốn vậy, người lãnh đạo trong DN cần giải được bài toán về giá trị mối quan hệ giữa các bên, đưa ra những kỳ vọng cũng như thực thi các chính sách phúc lợi phù hợp” – bà Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Lê Thị Đoan Trinh, Phó Tổng Giám đốc khối nhân lực Scommerce Group (quận 10, TP HCM), cho rằng trong khó khăn, người làm nhân sự cũng phải phát huy vai trò, trực tiếp tham gia với những người quản lý DN để cùng nhau vượt khó. Theo bà Trinh, người làm nhân sự trong quá trình đồng hành với DN cần biết rằng làm nhân sự không chỉ dừng ở việc tuyển dụng mà còn phải tham gia nhiều hơn đến các hoạt động tổng thể của DN. Nhân tài có thể là bất kỳ ai trong DN nếu người làm nhân sự biết khai phá, bồi dưỡng và đặt đúng vị trí.
Ngoài ra, chuyển đổi công tác nhân sự là cần thiết để thích ứng với thị trường lao động đang chuyển biến không ngừng. “Tất cả vị trí công việc theo thời gian, yêu cầu của thị trường đều đòi hỏi người lao động phải phát triển từ kiến thức đến tay nghề. DN luôn sẵn sàng đào tạo, huấn luyện đội ngũ nhân lực của mình nhưng phải đào tạo đúng chứ không thể thấy DN bạn đào tạo gì thì mình cũng áp dụng như vậy. Nhiệm vụ hoạch định và kiểm soát trong quản trị nhân lực sẽ giải quyết vấn đề này” – bà Trinh nói.
1/5 công việc cần kỹ năng số chuyên sâu
Ngày 6-9, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM tổ chức hội thảo chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn giai đoạn 2023 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Giai đoạn 2023 – 2030, TP HCM cần 310.000 – 330.000 chỗ làm việc mỗi năm (từ 135.000 – 140.000 việc làm mới). Trong đó, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cho những ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, cùng 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác – tự động hóa; điện tử – công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm).
Nhiều đại biểu cho rằng xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động khởi nghiệp, tự tạo việc làm gia tăng. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động.
Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về những kỹ năng số cơ bản, trong khi 1/5 công việc cần các kỹ năng số đặc biệt chuyên sâu.
H.Đào