Giữ việc làm, tăng phúc lợi cho công nhân

Do ảnh hưởng của kinh tế thế giới và khu vực nên thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị giảm đơn hàng, cá biệt có DN không có đơn hàng nên phải cắt giảm lao động, cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc luân phiên hoặc tạm ngừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận NLĐ.

Công nhân không lo thiếu việc

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, đã có hàng ngàn công nhân (CN) thuộc diện cắt giảm, chấm dứt hợp đồng lao động tại nhiều DN trên địa bàn tiếp tục được ở lại làm việc hoặc có công việc mới phù hợp, ổn định đời sống.

Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn) hiện có khoảng 24.000 CN. Cuối năm 2022, do thiếu đơn hàng, DN này đã lên kế hoạch cắt giảm hàng ngàn lao động, khiến nhiều CN hoang mang, lo lắng khi Tết Nguyên đán cận kề.

Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động – LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, cho biết khi nắm bắt được tình hình, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Công đoàn, Ban Quản Khu Kinh tế Nghi Sơn nhanh chóng vào cuộc, làm việc với Công đoàn cơ sở và giới chủ người nước ngoài để đàm phán, tìm giải pháp giữ chân NLĐ. Từ nỗ lực đàm phán của LĐLĐ tỉnh và các cơ quan chức năng, ban giám đốc công ty đã đưa ra hàng loạt giải pháp để không phải cắt giảm lao động như: không tăng ca ngày thứ bảy, giảm giờ làm và bố trí nghỉ việc luân phiên. Nhờ đó, hàng ngàn CN trong diện cắt giảm tiếp tục có việc làm và đón một cái Tết vui tươi. Sau Tết, đơn hàng của công ty ổn định hơn nên tất cả CN đã yên tâm làm việc.

Ngoài Công ty TNHH Giày Annora Việt Nam, trước Tết Quý Mão 2023, Công ty TNHH Fruit of The Loom Việt Nam (100% vốn của Mỹ, đóng tại huyện Quảng Xương) cũng có kế hoạch giảm hơn 1.000 lao động. Cũng với cách làm tương tự, Công đoàn tỉnh Thanh Hóa đã thuyết phục lãnh đạo DN này thực hiện phương án cắt giảm giờ làm luân phiên nên đã giữ chân được hàng trăm CN. Song, dù đã nỗ lực nhưng vẫn còn trên 400 CN mất việc.

Nhằm hỗ trợ số CN này ổn định cuộc sống, LĐLĐ tỉnh đã chủ động liên hệ với các DN có nhu cầu tuyển dụng tiếp nhận họ vào làm việc. Việc kết nối gặp nhiều trở ngại khi nhiều DN không mặn mà với việc tiếp nhận CN trong bối cảnh khó khăn, chưa kể một số nơi không tin CN mới sẽ làm được việc. Tuy nhiên, với sự kiên trì và khéo léo của các cấp Công đoàn, 400 CN mất việc của Công ty TNHH Fruit of The Loom Việt Nam đã có việc làm mới.

Giữ việc làm, tăng phúc lợi cho công nhân - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng (giữa) thăm hỏi tình hình việc làm của công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam

Chỗ dựa tin cậy

Không chỉ nỗ lực ổn định việc làm cho CN, LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa còn thực hiện rất tốt công tác an sinh xã hội, nhất là thương lượng để các DN tăng phúc lợi cho NLĐ, giúp họ có thêm động lực gắn bó lâu dài với nơi làm việc, đặc biệt với những CN, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Phạm Thị Trang – ngụ huyện Quảng Xương, một trong 400 CN nằm trong diện bị cắt giảm của Công ty TNHH Fruit of The Loom Việt Nam – cho biết rất vui khi được LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ tìm việc làm mới. Thông qua sự giới thiệu của LĐLĐ tỉnh, chị Trang và hàng ngàn CN mất việc tại các DN gặp khó khăn về đơn hàng đã có việc làm ngay trước Tết. “Ở môi trường mới, lương, thưởng luôn được bảo đảm, chưa kể các chế độ phúc lợi khác, nhờ vậy chúng tôi yên tâm gắn bó lâu dài” – chị Trang chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Quang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sakurai Việt Nam (KCN Lễ Môn, TP Thanh Hóa), cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đơn hàng liên tục cắt giảm dẫn đến nhiều nơi DN không tái ký hợp đồng với NLĐ, vì vậy việc giữ chân NLĐ cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ nắm bắt được tình hình và sự nỗ lực của ban giám đốc nên đơn hàng tại DN rất bảo đảm, CN có việc làm thường xuyên. Công đoàn và ban giám đốc luôn phối hợp chặt chẽ để chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất lẫn tinh thần cho NLĐ, để mọi NLĐ đều xem nơi làm việc như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Dù số lượng CN rất lớn – khoảng 12.500 người – nhưng tất cả đều được Công đoàn quan tâm tặng quà, tổ chức sinh nhật. Công đoàn cùng với lãnh đạo công ty thường xuyên tổ chức các ngày hội, ngày lễ như 8-3, hội thao bóng đá… tạo sân chơi cho NLĐ có thêm năng lượng làm việc. Ngoài việc thường xuyên điều chỉnh các khoản phụ cấp như xăng xe, nuôi con nhỏ, nhà trọ…, công ty còn có các khoản hỗ trợ khác cho NLĐ như: hỗ trợ giá tiêu dùng, phụ cấp cho CN biết ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật)… “Mục tiêu cuối cùng là giúp NLĐ có thu nhập ngày một cao hơn, ổn định để gắn bó lâu dài với công ty” – ông Quang cho hay.