Công nhân quan tâm tăng lương, chính sách BHXH

36% trong 10.000 ý kiến công nhân gửi về quan tâm đến tăng lương tối thiểu, tiếp đến là chính sách BHXH, nhà ở trước cuộc đối thoại với Thủ tướng ngày 12/6 tại Bắc Giang.

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 9/6 cho biết, ngoài điểm trung tâm Bắc Giang với 4.500 công nhân tham dự, sẽ có thêm 63 điểm cầu trực tuyến đặt tại các tỉnh, thành và trụ sở Tổng liên đoàn. Ngoài Thủ tướng, cuộc đối thoại có sự tham gia của lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương.

Trước cuộc đối thoại, công đoàn cả nước đã có gần một tháng tập hợp khoảng 10.000 câu hỏi, ý kiến công nhân gửi về. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết qua phân loại, mối quan tâm của người lao động chủ yếu về các nhóm vấn đề: Tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7; sửa đổi chính sách BHXH theo hướng tạo niềm tin để lao động gắn bó lâu dài với hệ thống an sinh, hạn chế rút BHXH một lần.

Tiếp đến là chế độ hưởng BHXH cho lao động F0; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH khiến công nhân mất trắng quyền lợi; nhà ở cho công nhân; hỗ trợ con em công nhân ở bậc mầm non trong khu công nghiệp; hỗ trợ tiền thuê nhà trong gói 6.600 tỷ đồng.

“Nhiều công nhân tâm sự biết là rút BHXH sẽ không có lương hưu về già nhưng cuộc sống khó khăn quá, thời gian đóng BHXH thì lâu, không biết bao giờ mới được lĩnh”, ông Hiểu chia sẻ.

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, đối thoại là dịp công nhân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất những vấn đề về việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; cũng là dịp để Thủ tướng lắng nghe, giải quyết những vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.

Ngoài đối thoại cấp trung ương, công đoàn thúc đẩy đối thoại ở cấp địa phương, cơ sở để người lao động trực tiếp trao đổi với lãnh đạo chính quyền. Đây cũng là cách nhanh nhất để người đứng đầu các cấp nắm bắt tâm tư, giải quyết kiến nghị, vướng mắc cho người lao động.

Giờ làm việc của công nhân xưởng may mặc ở Bắc Giang. Ảnh: Hanh Phạm

Giờ làm việc của công nhân xưởng may mặc ở Bắc Giang. Ảnh: Hanh Phạm

Bắc Giang, nơi diễn ra đối thoại, có hơn 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 305.000 lao động, phần lớn tỉnh ngoài. Toàn tỉnh có 6 khu công nghiệp Vân Trung, Đình Trám, Quang Châu, Song Khê – Nội Hoàng, Hòa Phú và Việt Hàn. Hồi tháng 5/2021, Bắc Giang trở thành tâm dịch cả nước, khởi phát từ một ca nhiễm là công nhân trong nhà máy, khiến tỉnh phải tạm dừng hoạt động bốn khu công nghiệp trong hai tuần.

Đợt dịch thứ tư khiến hơn 2 triệu đoàn viên công nhân cả nước bị ảnh hưởng tiêu cực, mất việc, nghỉ giãn việc, giảm thu nhập, nhiễm bệnh. Dịch bùng phát trong công xưởng, xóm trọ lao động ở Hải Dương, Bắc Giang, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… đã bộc lộ nhiều vấn đề về nhà ở cho công nhân. Hồi tháng 10/2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành từng lưu ý các địa phương rà soát vấn đề này, tới đây khi xây dựng khu công nghiệp mới cần bố trí đất ở cho công nhân.

Công nhân Việt Nam chiếm 15% dân số, 27% lực lượng lao động nhưng đóng góp 70% ngân sách và 65% GDP. Đóng góp nhiều nhưng công nhân chưa được hưởng thành quả tương xứng khi đời sống còn bấp bênh, nhiều vấn đề cấp bách về tiền lương, nhà ở, nuôi con… chưa được giải quyết thỏa đáng.

Khảo sát của công đoàn vào tháng 3 năm nay cho thấy, nếu không làm thêm giờ, tiền lương cơ bản của công nhân đạt 4,92 triệu đồng mỗi tháng. Để không rơi vào túng quẫn, công nhân phải chấp nhận tăng ca. Lao động ngành dệt may, điện tử, da giày, chế biến thủy hải sản, sản xuất gỗ… có khi tăng ca 60-70 giờ mỗi tháng. Mức độ hài lòng của người lao động với cuộc sống chỉ đạt 6,3 trên thang điểm 10.

Hồng Chiêu