Công nhân mỏi mòn chờ tiền các gói hỗ trợ

TP HCMTrở lại thành phố làm việc sau dịch, chị Dương Thị Bích Phụng tin sớm nhận khoản hỗ trợ nhà trọ 3 triệu đồng để trả nợ nhưng sau nhiều tháng vẫn “bặt vô âm tín”.

Tháng 6 năm ngoái, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, chị Phụng, 35 tuổi, quyết định nghỉ việc, đưa con trai hơn một tuổi về Tiền Giang. Chồng chị chọn ở lại, tham gia sản xuất “3 tại chỗ” với nhà máy để nuôi gia đình. Sau Tết, người mẹ trẻ gửi con cho bà ngoại để trở lại thành phố kiếm việc khi các khoản nợ sinh hoạt ngày càng tăng.

Chị Phụng trong giờ làm việc. Ảnh: Lê Tuyết

Chị Phụng trong giờ làm việc. Ảnh: Lê Tuyết

“Một suất lương của chồng là không đủ”, chị Phụng nói. Chị được Công ty TNHH Vexos Việt Nam ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) nhận vào làm việc cùng thời điểm gói hỗ trợ thuê nhà được ban hành. Vợ chồng cùng làm đơn đề nghị giúp đỡ, tổng số tiền dự kiến nhận được 4,5 triệu đồng. Nữ công nhân tính toán sẽ trả được một phần nợ, giảm được gánh nặng sau dịch.

Tuy nhiên, tính từ lúc điền vào đơn đến nay đã hơn 3 tháng, chị vẫn chưa nhận được tiền. Sốt ruột, chị thường xuyên gặp tổ trưởng để hỏi nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.

Chị Phụng là một trong 180 công nhân thuê trọ làm việc ở nhà máy Vexos Việt Nam ngóng tiền hỗ trợ từng ngày. Bà Phạm Thị Châu, Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty, nói cuối tháng 3 khi gói hỗ trợ được ban hành, doanh nghiệp chủ động cho người lao động làm đơn, điền thông tin với hy vọng sớm nhận tiền. Hơn ba tháng trôi qua, phản hồi duy nhất nhà máy nhận là hồ sơ đã được Bảo hiểm xã hội quận 7 xác nhận.

“Công nhân trông ngóng, lãnh đạo nghi ngại”, bà Châu nói và giải thích khi chính sách ra đời, chủ doanh nghiệp người Mỹ rất hoan nghênh vì cảm thấy được chia sẻ. Tuy nhiên, khi có quá nhiều lao động mang tâm lý chờ đợi, xao nhãng công việc, liên tục hỏi “khi nào có tiền”, họ lại thấy phiền phức.

Công ty Vexos là một trong hơn 15.300 doanh nghiệp với hơn 500.000 lao động đã được Bảo hiểm xã hội TP HCM xác nhận hồ sơ nhận gói hỗ trợ tiền thuê nhà, tính đến 1/7. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào nhận được tiền. Theo giải thích của ngành lao động thành phố là đang chờ kinh phí.

Không chỉ hơn nửa triệu lao động ở thành phố chờ tiền từ gói hỗ trợ thuê nhà, khoảng 100.000 trường hợp bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ đợt dịch năm ngoái thuộc diện được nhận 1,8 – 3,71 triệu đồng vẫn bị “treo”.

Theo báo cáo gần nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội gửi HĐND TP HCM, tính đến giữa tháng 3, đã có trên 221.000 lao động được nhận được tiền theo diện này với kinh phí gần 780 tỷ đồng. Trong khi đó, tháng 9 năm ngoái, ngành bảo hiểm xác nhận cho hơn 376.000 người đủ điều kiện hưởng.

Gần 300 lao động làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất, thương mại Tân Minh Quang ở Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) là những trường hợp bị “treo” điển hình.

Tháng 8 năm ngoái, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhà máy phát hiện ca nhiễm buộc phải dừng hoạt động hơn một tháng. Công ty đề nghị cho toàn bộ lao động được nhận hỗ trợ 1,8-3,71 triệu đồng, trong đó có gần 60 công nhân nữ nuôi con nhỏ được giúp đỡ thêm một triệu đồng. Tổng kinh phí được UBND huyện phê duyệt hơn 1,1 tỷ đồng.

“Tuy nhiên đến nay chưa có người nào nhận được tiền. Công nhân chờ đợi mỏi mòn nhưng phòng lao động trả lời đã hết tiền”, bà Phạm Thị Hoàng Thắm, Trưởng phòng Nhân sự công ty, nói. Trong khi đó người lao động nghe thông tin đã có công ty xung quanh đã được chi trả nên quay về áp lực với nhà máy. Nhiều người không chịu làm việc, lãn công yêu cầu công ty giải thích.

Doanh nghiệp đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Chánh đề nghị trả lời cụ thể thời gian chi trả nhưng chưa có hồi đáp. Bà Thắm nói rằng nhà máy đang gặp quá nhiều khó khăn khi giá cả nguyên liệu tăng, xoay xở tìm nguồn để điều chỉnh lương lại thêm đối phó với việc các gói hỗ trợ chậm trễ.

Công nhân nhà máy Samho quay lại sản xuất sau khi thành phố hết giãn cách. Ảnh: An Phương

Công nhân nhà máy Samho quay lại sản xuất sau khi thành phố hết giãn cách. Ảnh: An Phương

“Chúng tôi rất lo công nhân sẽ đình công để đòi tiền trong khi đây không phải là lỗi của doanh nghiệp”, bà Thắm nói và cho rằng nếu xảy ra ngừng việc công ty sẽ chồng chất khó khăn do sản xuất vừa phục hồi, đơn hàng mới quay lại.

Cũng gặp áp lực từ nhiều phía là tình trạng của những người làm nhân sự, công đoàn nhà máy Việt Nam Samho (huyện Củ Chi). Ông Nguyễn Thanh An, Chủ tịch công đoàn công ty, cho biết hiện có khoảng 8.000 lao động đang chờ khoản bổ sung 1,91 triệu đồng của gói 26.000 tỷ đồng.

Năm ngoái, công ty phải dừng hoạt động gần 3 tháng nên làm đề nghị cho người lao động được nhận hỗ trợ 3,71 triệu đồng. Tuy nhiên, do vướng mắc thủ tục nên chính quyền huyện Củ Chi giải quyết trước cho mỗi công nhân 1,8 triệu đồng theo gói riêng của thành phố. Cuối năm 2021, công ty tiếp tục làm hồ sơ đề nghị cấp bù phần còn thiếu tuy nhiên chờ hoài không thấy.

“Công nhân đăng lên mạng xã hội, nghi ngờ công ty không minh bạch. Chủ doanh nghiệp người Hàn Quốc liên tục hỏi tại sao chính sách không được thực hiện”, ông An nói và lo lắng gói cũ chưa xong, gói hỗ trợ nhà trọ lại đến khiến tình hình ở nhà máy càng căng thẳng.

Vị cán bộ công đoàn lâu năm nói rằng việc các gói hỗ trợ thực hiện không triệt để đã gây những khó khăn nhất định đến sự thương lượng chính sách tăng lương, phúc lợi của công đoàn đối với chủ doanh nghiệp, đặc biệt kỳ điều chỉnh lương tối thiểu 1/7.

“Nếu các chính sách của nhà nước được thực hiện quyết liệt, mình cũng có cớ để dựa vào. Tuy nhiên, vì quá chậm nên chủ doanh nghiệp thấy không tin tưởng”, ông An nói.

Nhà máy Việt Nam Samho là một trong gần 350 doanh nghiệp với 48.000 lao động được UBND huyện Củ Chi ra quyết định hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 103 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay chưa có người nào được chi tiền vì huyện không còn kinh phí. Huyện đã kiến nghị lên UBND TP HCM sớm có kinh phí chi trả cho cho người lao động nhưng đến nay ngân sách vẫn chưa chuyển về.

Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM sản xuất áo xuất khẩu. Ảnh: Quỳnh Trần

Công nhân một doanh nghiệp dệt may tại TP HCM sản xuất áo xuất khẩu. Ảnh: Quỳnh Trần

Lý giải các gói hỗ trợ chậm giải ngân, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM, cho hay do thiếu kinh phí. Đơn vị này đã có báo cáo gửi UBND thành phố đề nghị sớm có phương án giải quyết.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát, TP HCM là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề với thời gian phong tỏa kéo dài, hầu hết doanh nghiệp dừng hoạt động. Để hỗ trợ người dân, thành phố triển khai cùng lúc nhiều gói hỗ trợ trong đó có gói chung 26.000 tỷ đồng và 3 gói riêng với tổng kinh phí gần 11.000 tỷ đồng.

Liên quan kinh phí phòng, chống dịch tại buổi giám sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM hồi tháng 4, bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính, cho biết thành phố dự toán cần hơn 32.400 tỷ đồng để phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân nhưng chỉ cân đối được khoảng 18.000 tỷ đồng, thiếu hơn 15.000 tỷ đồng. Với số tiền còn thiếu, Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng (chiếm 13%). Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu thành phố cần.

Lê Tuyết