Công nhân kiệt sức vì làm thêm
“Nếu không tăng ca, thu nhập mỗi tháng của chúng tôi chỉ khoảng 5,5 triệu đồng. Nếu tăng ca thêm 95 giờ/tháng, thu nhập của chúng tôi tăng lên 9 triệu đồng/tháng. Tiền nhiều thì thích thật nhưng chúng tôi kiệt sức rồi”. Đây là lời cầu cứu của công nhân (CN) Công ty TNHH Bao bì cao cấp S&K Vina (100% vốn Hàn Quốc; KCN Minh Hưng – Hàn Quốc, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) gửi đến đường dây nóng của Báo Người Lao Động.
Ước một ngày không tăng ca
Theo trình bày của các CN, thời gian làm việc bình thường theo quy định của công ty là từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút. Tuy nhiên, nhiều tháng nay, CN phải tăng ca liên tục suốt tuần. Từ thứ hai đến thứ bảy, CN phải làm việc đến 21 giờ 30 phút, thậm chí có bộ phận làm việc đến 22 giờ – 23 giờ, chủ nhật cũng không được nghỉ.
Đại diện công ty đối thoại với người lao động liên quan đến việc tăng ca quá thời gian quy định
Bảng chấm công tháng 7-2019 của một số CN thể hiện số giờ tăng ca của họ lên đến 95 giờ, tháng 8 là 96 giờ và tháng 9 là 103 giờ (gấp 3 lần số giờ làm thêm tối đa trong tháng quy định). Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN bức xúc cho biết họ không hề biết trước lịch tăng ca, mà gần hết giờ làm việc mới được quản lý thông báo. CN thắc mắc thì được giải thích là do đơn hàng gấp. Chưa hết, công ty có quy định về sản lượng, nhưng dù CN làm đạt, thậm chí vượt định mức, vẫn bị công ty không cho về mà yêu cầu ở lại làm cho xong mã hàng. Điều đáng nói là vài ngày sau khi tăng ca, công ty mới đưa giấy tự nguyện tăng ca cho CN ký. Cũng theo phản ánh của CN, do làm việc quá sức nên không ít lần họ bỏ về. Thế nhưng, quản lý công ty ra lệnh cho bảo vệ đóng cổng và tuyên bố ai bước ra khỏi cổng thì không cần quay lại công ty làm việc.
Tăng ca liên tục nhiều tháng không chỉ khiến sức khỏe người lao động (NLĐ) suy kiệt mà cuộc sống gia đình cũng đảo lộn. “Vợ chồng tôi làm cùng công ty, phải tăng ca liên tục nên không thể rước con vào buổi chiều, phải nhờ người quen hỗ trợ việc chăm sóc. Khi vợ chồng tôi về thì con đã ngủ. Vợ chồng tôi chỉ ước có một ngày không tăng ca để chăm lo cho con được trọn vẹn” – một CN tên K. ứa nước mắt nói.
Doanh nghiệp kêu khó
Sau khi Báo Người Lao Động chuyển phản ánh của CN đến Công đoàn các KCN tỉnh Bình Phước, ngày 23-9, công ty đã tổ chức họp với tập thể NLĐ và có văn bản phúc đáp về việc tăng ca quá quy định. Nội dung văn bản giải thích công ty không mong muốn CN phải tăng ca quá quy định nhưng do đơn hàng nhiều nên gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian sản xuất phù hợp với quy định.
Để cải thiện tình hình, công ty đã tăng cường tuyển dụng lao động, nhập máy móc, thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm áp lực thời gian làm việc cho NLĐ. Bên cạnh đó, công ty đang xây dựng thêm nhà máy thứ 2 tại KCN Minh Hưng III, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11-2019. Công ty cam kết sẽ giảm giờ làm cho NLĐ theo quy định của Bộ Luật Lao động trong thời gian sớm nhất. Đầu tháng 10-2019, ông Lee Hyeong Hun, giám đốc công ty, tiếp tục có văn bản cam kết lập tức thực hiện các nội dung: Từ thứ hai đến thứ sáu chỉ tăng ca đến 20 giờ 30 phút, nếu có công đoạn nào yêu cầu tăng ca hơn thời gian này sẽ trên tinh thần tự nguyện tuyệt đối, không ép buộc NLĐ. Thứ bảy hằng tuần không tăng ca; chủ nhật chỉ tăng ca những công đoạn thật sự cần thiết, nếu NLĐ không đồng ý sẽ không tăng ca. Cam kết là thế nhưng trong tháng 10, CN vẫn phải tăng ca liên tục. Trao đổi với chúng tôi vào ngày 28-10, bà Phạm Thị Ngọc Bích, Trưởng Phòng Nhân sự công ty, thừa nhận tình trạng CN phải tăng ca quá thời gian quy định như phản ánh là đúng do đơn hàng quá nhiều. Công ty rất muốn điều chỉnh giờ làm thêm nhưng cần có thời gian, bởi nếu thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng. “Từ tháng 11-2019, khi nhà máy tại KCN Minh Hưng III đi vào hoạt động, công ty sẽ điều chỉnh thời gian tăng ca của CN không quá 30 giờ/tháng và trên tinh thần tự nguyện của NLĐ, không ép buộc” – bà Bích cam kết.
“Nếu sắp tới công ty không cải thiện tình hình tăng ca, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt theo quy định”.
Ông TRẦN HỮU HIỀN, Trưởng Văn phòng Đại diện khu vực Chơn Thành – Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Phước