Cơ hội việc làm tại Đức

Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức được xem là thị trường tiềm năng của chủ trương đưa người lao động (NLĐ) ra nước ngoài làm việc. Tuy nhiên, thị trường này vẫn còn nhiều rào cản về trình độ, kỹ năng cùng các cam kết chưa được thực hiện thỏa đáng. Để hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm, học tập tại Đức, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Tùng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khát vọng Việt Đức (VGEC).

* Phóng viên: Ông nhận định thế nào về cơ hội việc làm của NLĐ Việt Nam tại Đức?

– Ông NGUYỄN TUẤN TÙNG: Theo thống kê của Cục Thống kê CHLB Đức, tính đến tháng 3-2023, có hơn 50% doanh nghiệp (DN) của Đức thiếu hụt lao động. Dự báo đến năm 2035, nước Đức sẽ phải bổ sung thêm 7 triệu lao động. Những con số đó cho thấy nước Đức đang trở thành thị trường việc làm rộng mở dành cho NLĐ Việt Nam.

Cơ hội việc làm tại Đức - Ảnh 2.

Ông NGUYỄN TUẤN TÙNG

NLĐ làm việc tại Đức dù mang quốc tịch nào cũng đều nhận được những đặc quyền và đãi ngộ tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Ví dụ như với chương trình du học nghề, mức lương khi đi học năm đầu của học viên từ 800 – 1.100 euro/tháng, số tiền này đủ chi phí ăn ở cơ bản tại Đức. Mức lương mới ra trường khoảng 2.300 – 2.500 euro/tháng và được xét tăng lương từng bậc theo thời hạn quy định của chính phủ.

* Hiện có bao nhiêu cách sang Đức học tập và làm việc?

– Bên cạnh việc du học tự túc truyền thống, những năm gần đây CHLB Đức đã có những chương trình nhằm thu hút NLĐ từ nước ngoài là du học nghề và chuyển đổi văn bằng cho lao động tay nghề cao. Yêu cầu của các chương trình cũng liên tục được nới lỏng như: trình độ tiếng Đức nay đã hạ xuống B1 (trước đây B2) hoặc A2 với một số ngành nghề.

Cơ hội việc làm tại Đức - Ảnh 3.

Học viên của VGEC được học tập với các chuyên gia trước khi sang Đức làm việc Ảnh: GIANG NAM

Du học nghề Đức là chương trình giáo dục – đào tạo nghề, trong đó học viên vừa được đào tạo về kiến thức chuyên môn vừa được thực hành trực tiếp tại các DN lớn ở Đức và được trả lương. Chương trình lao động tay nghề cao dành cho những người đã có bằng cấp cũng như kinh nghiệm làm việc. Thông qua việc chuyển đổi các văn bằng đã học, NLĐ sẽ được công nhận về trình độ chuyên môn để có thể vào làm việc tại các DN ở Đức.

* Chương trình mà VGEC đang hợp tác với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK) như thế nào?

– Trên cơ sở hoạt động về các lĩnh vực đào tạo tiếng Đức, tư vấn du học nghề, chuyển đổi văn bằng cho lao động tay nghề cao, VGEC hợp tác cùng AHK với mong muốn trở thành cầu nối vững chắc giữa NLĐ Việt Nam và các DN Đức. Việc ký kết hợp tác này nhằm tạo điều kiện cho NLĐ có tay nghề và năng lực nhận được cơ hội làm việc tại các DN Đức. Cả hai bên sẽ cùng thực hiện tuyển chọn học viên, đào tạo tiếng Đức, tư vấn xử lý hồ sơ, công nhận văn bằng và tổ chức các khóa học để bảo đảm ứng viên tham gia chương trình có thể tiếp cận và hội nhập khi làm việc tại Đức. Đặc biệt, thông qua lĩnh vực chuyển đổi văn bằng, VGEC và AHK hy vọng sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm cho NLĐ có tay nghề – đã có bằng cấp và kinh nghiệm làm việc.

6 tháng đầu năm 2023, thị trường châu Âu tiếp nhận lao động Việt Nam rất khả quan. Trong đó, CHLB Đức khoảng 1.000 người sang học tập và làm việc, Hungary 712 người, Romania 469 người, Ba Lan 153 người và một số nước khác.

Bài học nằm lòng

Theo ông Nguyễn Tuấn Tùng, những lao động trẻ Việt Nam đang có nguyện vọng sang Đức làm việc, khi trang bị tốt ngôn ngữ nước sở tại chắc chắn sẽ đem lại sự tự tin, dễ dàng hòa nhập và bảo vệ bản thân, con đường sự nghiệp bền vững tại CHLB Đức theo đó sẽ rộng mở.