Các nhà máy cần tuyển hàng chục nghìn công nhân

Các công ty ở Bắc Giang cần tuyển hơn 43.000 lao động, chủ yếu trong lĩnh vực điện tử; nhiều nhà máy tại Bắc Ninh thiếu hụt lao động do công nhân chưa trở lại.

310 doanh nghiệp trong tổng số 383 công ty tại Bắc Giang đã hoạt động sau Tết Nguyên đán, tính đến hết 8/2. Khoảng 135.000 công nhân trở lại làm việc trong tổng số 180.000, đạt gần 73%.

Nhiều nhà máy lì xì đầu năm, tổ chức xe đưa đón để kêu gọi lao động sớm trở lại. Theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Giang, trong tuần này toàn bộ nhà máy sẽ hoạt động trở lại. Một số đơn vị dù đã khai xuân song công nhân cư trú ở các tỉnh vùng cao phía Bắc, đường xa nên chưa xuống hoặc họ muốn nghỉ ngơi thêm bên gia đình, dự kiến qua rằm tháng Giêng mới trở lại làm việc.

Công nhân trong phân xưởng sản xuất của công ty Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), tháng 10/2021. Ảnh: VGP

Công nhân trong phân xưởng sản xuất của công ty Hosiden thuộc Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang), tháng 10/2021. Ảnh: VGP

Thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang, 72 doanh nghiệp đã đăng ký tuyển hơn 43.000 lao động, tăng 11% so với cuối năm ngoái. Riêng các doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp cần tuyển hơn 10.000 lao động trong quý I, để bù vào số công nhân đã nghỉ việc và do nhà máy mở rộng sản xuất, chủ yếu gia công lắp ráp linh kiện điện tử.

Nhà máy cần nhiều nhân công thuộc khối FDI đang mở rộng sản xuất hoặc mới hoạt động, tập trung vào điện tử, may mặc. Các công ty có nhu cầu tuyển dụng lớn như Luxshare-ICT Việt Nam cần 30.000 công nhân; Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology tuyển hơn 5.000 lao động; Công ty Hosiden Việt Nam tuyển 1.500 người; Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam cần 2.000 người.

Tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với đơn vị cung ứng, thông qua các phiên giao dịch việc làm để tìm kiếm lao động.

Bắc Ninh có hơn 450.000 công nhân, phần lớn từ địa phương khác tới làm việc tại gần 1.200 công ty. Sau Tết, khoảng 80% lao động khu vực sản xuất linh kiện điện tử đã quay trở lại làm việc, riêng khối may mặc, da giày chậm hơn.

Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn lao động Bắc Ninh, cho biết qua thăm dò ý kiến, nhiều lao động chưa trở lại làm việc vì trước Tết về quê sớm nên họ lo ngại bị phạt khi trở lại nhà máy. Công đoàn cơ sở cùng doanh nghiệp đã chủ động thông tin rõ cho người lao động “không có chuyện phạt hay phân biệt đối xử”, kêu gọi công nhân sớm trở lại nhà máy.

Sau đợt dịch bùng phát hồi tháng 5/2021, nhiều nhà máy trên địa bàn Bắc Ninh hiện vẫn thiếu công nhân. Lao động nội tỉnh chỉ đạt khoảng 25% nhu cầu trong khi các doanh nghiệp liên tục mở rộng sản xuất, chủ yếu lĩnh vực điện tử. Ngoài kết nối với trung tâm dịch vụ việc làm, tỉnh khuyến khích các công ty về địa phương có đông lao động như Hà Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An để tuyển. Nhiều công ty cũng đã bổ sung chính sách phúc lợi như xe đưa đón, tăng tiền ăn ca cho công nhân.

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) được xe đưa miễn phí về quê ăn Tết, tháng 1/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) được xe đưa miễn phí về quê ăn Tết, tháng 1/2022. Ảnh: Ngọc Thành

Tại Hà Nội, hơn 96% công nhân đã trở lại làm việc từ mùng 7 Tết, chủ yếu ở các nhà máy thuộc khu công nghiệp và chế xuất, dệt may, nhà máy đông lao động.

Ông Tạ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ Việc Làm Hà Nội, cho biết qua hai ngày 7- 8/2, khoảng 30 công ty đăng ký tuyển dụng hơn 700 lao động. Doanh nghiệp cần người chủ yếu là cơ khí, may mặc, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe… với mức lương dao động 7 – 15 triệu đồng. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong tháng 2 vẫn còn tăng, thị trường lao động chưa thể trở lại sôi động ngay sau kỳ nghỉ Tết kéo dài.

Ngoài các phiên giao dịch online hàng tuần, trong tháng 2, trung tâm sẽ kết nối với các tỉnh phía Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh… để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động.

Hồng Chiêu